Cảnh giác với lừa đảo từ sự cố sập Facebook
Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo 'ăn theo' sự cố sập Facebook toàn cầu vào tối 5/3.
Khoảng 22h20 phút ngày 5/3, mạng xã hội Facebook, WhatsApp, Instagram cùng ứng dụng nhắn tin Messenger đều ngừng hoạt động trên toàn thế giới. Diễn biến này đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ cho những người sử dụng dịch vụ của Facebook.
Nguyên nhân của sự cố hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dường như đây là lỗi kỹ thuật từ phía máy chủ, khiến cho hệ thống không thể duy trì đăng nhập của người dùng, buộc họ phải đăng nhập lại liên tục. Mặc dù vậy, kể cả khi đăng nhập lại thành công, chỉ một vài giây sau, tài khoản lại tiếp tục bị "văng".
Trong quá khứ, Facebook đã nhiều lần xảy ra lỗi trên toàn cầu. Lần gần nhất là vào tháng 10/2021, dịch vụ Facebook đã bị gián đoạn 6 tiếng vì sự cố. Và trước đó nữa là vào tháng 9, tháng 6, các dịch vụ của Facebook cũng gián đoạn nhiều giờ ảnh hưởng tới người dùng tại Việt Nam.
Vào năm 2019, khi Facebook gặp phải sự cố ngừng hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, phải mất hơn 24 giờ kể từ khi sự cố bắt đầu xảy ra cho đến khi Facebook cho biết sự cố đã được giải quyết. Sau sự cố kỷ lục này, Facebook chỉ nói rằng các vấn đề là "kết quả của việc thay đổi cấu hình máy chủ".
Năm 2015, Facbook gặp sự cố gián đoạn dịch vụ khoảng 50 phút trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ vài phút sau khi không truy cập được, từ khóa #facebookdown đã trở thành xu hướng nóng nhất trên Twitter....
Thống kê từ Down Detector cho thấy, hàng loạt người dùng trên toàn thế giới đều báo cáo về sự cố không thể truy cập Facebook. Tính tới thời điểm 10 giờ 34 phút tối 5/3, có tới hơn 125.000 lượt báo cáo về lỗi Facebook bị sập.
Theo số liệu thống kê được công bố hồi tháng 7/2023, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đạt 2,06 tỷ người. Lượng người dùng hàng tháng là 3,03 tỷ.
Nếu tính toàn bộ hệ sinh thái ứng dụng của Meta, WhatsApp, Instagram, Messenger và Threads có 3,88 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Như vậy, chỉ trong vòng ít ngày đã có 2 sự cố liên tiếp đã xảy ra với Facebook. Đầu tiên là lỗ hổng 0-day cho phép tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển tài khoản từ xa mà không cần người dùng phải thao tác.
Sau đó đỉnh điểm là sự cố sập mạng Facebook trên toàn cầu đêm ngày hôm qua. Tuy Facebook đã được khôi phục nhưng người dùng cần hết sức cảnh giác với các dịch vụ "ăn theo" mà mục tiêu không gì khác ngoài lừa đảo, tấn công người dùng.
“Thông thường, tin tặc sẽ rất "nhạy cảm" với các sự kiện kiểu như này, sẽ có nhiều hình thức ăn theo như "hướng dẫn đăng nhập Facebook khi gặp lỗi", "cách khôi phục mật khẩu nhanh nhất"... được đưa ra. Nếu không cảnh giác, người dùng có thể làm theo hướng dẫn và truy cập vào các website lừa đảo, từ đó bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu”, ông Vũ Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) cảnh báo.
Để phòng tránh, theo ông Sơn, trong mọi tình huống người dùng cần bình tĩnh. Nếu bạn tự nhiên không đăng nhập được tài khoản Facebook, hãy "CHẬM LẠI MỘT CHÚT", không vội vàng tìm cách đăng nhập trở lại hay khôi phục mật khẩu ngay mà có thể hỏi thêm bạn bè mình có gặp hiện tượng tương tự không. Nếu nhiều người gặp thì nên đợi để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thông báo và giải quyết sự cố.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-giac-voi-lua-dao-tu-su-co-sap-facebook-d210178.html