Cảnh giác với 'ma men'
Trong phong tục, tập quán văn hóa của người Việt, rượu là thứ không thể thiếu vào các dịp lễ, tết, hiếu, hỉ. Tuy nhiên, ngày nay rượu bia đã bị lạm dụng ở mức 'báo động đỏ'. Ở nước ta, rượu bia có mặt hầu như khắp nơi. Không khó có thể tìm mua một chai rượu hoặc lon bia kể cả ở nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.
Những năm qua, sản xuất, kinh doanh rượu bia không ngừng phát triển. Thống kê của ngành chức năng năm 2018 đã đưa ra con số ám ảnh khi sản lượng bia Việt Nam đạt khoảng 4,3 tỷ lít/năm và chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, chiếm gần 3% số thu ngân sách; đưa Việt Nam trở thành quốc gia sử dụng rượu bia đứng thứ 29 trên thế giới.
Do văn hóa rượu bia phát triển mạnh trong cộng đồng nên đã kéo theo các ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng phát triển. Nhưng bên cạnh lợi ích đó thì những tác hại từ rượu bia cũng thật khôn lường. Tình trạng lạm dụng rượu bia khá phổ biến trong xã hội đã dẫn tới gia tăng tỷ lệ mất an toàn giao thông, gây mất an toàn xã hội, tốn kém kinh phí, lãng phí thời gian và phá hoại hạnh phúc gia đình. Thậm chí có người vì lạm dụng rượu bia mà thân bại danh liệt. Thực tế nhiều vụ án mạng xảy ra gần đây đã chứng minh, khi lợi ích được đề cao, bị xâm phạm và len lỏi trong đời sống mà có thêm sự tác động mạnh của rượu bia thì ngay cả sợi dây tình cảm thân thiết máu mủ ruột rà vốn bền chặt là thế cũng trở nên mong manh, đổ vỡ.
Rượu bia là chất kích thích thần kinh khi lượng cồn vào trong máu quá nhiều. Lúc bình thường, hành vi của con người được điều khiển bởi lý trí và tình cảm. Con người sẽ suy nghĩ trước khi đưa ra một lời nói hay một quyết định nào đó để an toàn cho bản thân, cho người xung quanh. Khi rượu bia và lượng cồn trong máu tăng lên thì thần kinh con người hưng phấn, dễ dẫn đến thiếu kiểm soát và hành động trong vô thức.
Khi văn hóa rượu bia bị lạm dụng đã hình thành nên thứ “văn hóa ảo”, “văn hóa đen”, “văn hóa giả tạo”. Trên bàn nhậu, bên rượu bia họ có thể thỏa sức thêu dệt về một vấn đề nào đó, gán cho một ai đó “không ăn cánh” với mình những vết “chấm đen” mà chẳng cần biết tâm tính, trí tuệ, đạo đức của người ấy ở mức nào. Trên bàn nhậu, họ ca ngợi nhau bằng những mỹ từ “có cánh” khiến đối tượng được ca tụng "phổng mũi, nở mặt" và để rồi nuôi ảo tưởng trở thành “đệ nhất thiên hạ”. Rượu bia cũng có thể là chất xúc tác để gắn kết những ai đó thành “ê kíp bàn nhậu”, từ đó có thể cho ra đời những mưu sâu kế hiểm nhằm đoạt ghế tranh quyền, thâu tóm lợi ích kinh tế từ những dự án béo bở.
Điều đáng buồn là thứ văn hóa rượu bia tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội ấy lại như virus lây lan rất nhanh trong đời sống, ngấm vào máu nhiều người và trở thành "mốt", thành "trend", thành "đẳng cấp" của những kẻ thích "ma men" làm trọng. Thời đầu những năm đổi mới, rất ít thấy phụ nữ ngồi quán nhậu. Ngày nay, hình ảnh ấy lại xuất hiện khá nhiều. Còn những đấng mày râu thì vì tâm lý “Nam vô tửu như kỳ vô phong” nên thỏa thuê nâng ly cạn chén trong những buổi gặp gỡ, tiệc tùng. Đáng sợ hơn cả là những nam thanh nữ tú chưa đủ 18 tuổi cũng học đòi uống rượu bia để rồi có những hành động bột phát có thể trả giá bằng cả sinh mạng.
Chúng ta không phủ nhận rượu bia đóng góp một phần cho ngân sách đất nước, góp phần thúc đẩy một số ngành dịch vụ phát triển, là chất xúc tác trong nhiều mối quan hệ... Song nếu lạm dụng rượu bia quá mức thì tác hại khôn lường. Do vậy, đã đến lúc phải thay đổi tâm lý, quan niệm để sử dụng rượu bia một cách đúng mực, hợp lý. Cần ứng xử với rượu bia bằng văn hóa lành mạnh, tao nhã thay vì lạm dụng chúng để cho ra đời những thứ văn hóa cà kê, lê la, nài ép nhau lợi bất cập hại.