Cảnh giác với người lạ trốn trong nhà vệ sinh nhằm gian lận thi cử
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đã có trường hợp người nhà thí sinh trốn trong nhà vệ sinh để giúp thí sinh gian lận thi cử.
Ngày 5/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị Hướng dẫn coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng PA03 hướng dẫn nhận biết các thiết bị công nghệ cao sử dụng trong gian lận trong các kỳ thi tuyển sinh.
Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Công an Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi và triển khai đến tất cả các phòng nghiệp vụ trên địa bàn Thành phố.
Ngoài tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi như in sao đề, coi thi, chấm thi, vận chuyển đề thi, công an thành phố Hà Nội còn tham gia đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt, công an thành phố tham gia phòng chống gian lận thi cử đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Thượng tá Hùng cho hay, trên các trang mạng hiện nay đang rao bán nhiều thiết bị phục vụ gian lận thi cử. Những thiết bị này được mua bán dễ dàng trên mạng.
Qua điều tra và xử lý, Công an TP Hà Nội phát hiện các thiết bị công nghệ cao được sử dụng trong gian lận thi cử là ghi âm, ghi hình định vị ngụy trang dưới hình thức hộp giấy ăn, đồng hồ, bút, USB, mũ lưỡi trai, cúc áo; thiết bị dạng vòng dây đeo nhỏ được gắn lên đồ trang sức; thiết bị tai nghe hạt đậu siêu nhỏ kích thước chỉ 3 - 4mm đút vào sâu màng nhĩ khi muốn lấy ra phải dùng nam châm để hút.
Ngoài ra còn các thiết bị có hình dạng giống thẻ ATM dễ dàng qua mắt cán bộ coi thi bởi đây là vật dụng cá nhân, chỉ cần lắp sim điện thoại là có thể thu phát sóng dễ dàng.
Hay, thiết bị có hình dạng giống như máy tính Casio bỏ túi nằm trong danh sách các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi. Trên thiết bị có khe cắm sim, có thể sạc pin, có vòng dây được kết nối hoạt động trong phạm vi chưa đến 50cm. Các thiết bị khác giống như những vật dụng thông thường như chìa khóa nhưng cũng có khe cắm sim, sạc pin và có tai nghe.
Tuy nhiên, việc phát hiện những thiết bị này không khó nếu cán bộ coi thi chú ý đến những đặc điểm bất thường của thí sinh. Đó là những thí sinh có biểu hiện bất thường như lẩm bẩm trong miệng, ngứa ngáy, đặt tay lên tai hay trong thời tiết mùa hè nắng nóng nhưng mặc áo dài tay, thí sinh nữ tóc xõa dài.
Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng cũng nhắc lại tình huống đã xảy ra tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua của Hà Nội để các trưởng, phó điểm thi rút kinh nghiệm.
Đó là tại một hội đồng thi trên địa bàn quận Hoàng Mai, người nhà đưa thí sinh đến điểm thi nhưng lợi dụng lúc đầu giờ chưa ổn định đã trốn vào phòng vệ sinh. Trong giờ thi môn Toán, thí sinh xin đi vệ sinh, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát đã thực hiện đầy đủ quy trình theo đúng quy chế khi cho thí sinh ra ngoài.
Tuy nhiên, một cán bộ giám sát đã phát hiện có tờ giấy có ghi 1 câu hỏi, liền xé vứt vào thùng rác. Nhưng một lúc sau, thí sinh này lại xin đi vệ sinh. Lần này do thấy thí sinh vào nhà vệ sinh quá lâu nên cán bộ giám sát thấy bất thường và khi vào thì phát hiện có người nhà thí sinh đang trong nhà vệ sinh giải bài cho thí sinh. Từ vụ việc này, ông Hùng lưu ý các điểm thi chú ý để phòng ngừa các hình thức gian lận.
Ông Hùng cũng lưu ý các phòng thi gần khu vực lòng đường hay nhà dân phải dán kín các cửa kính tránh trường hợp quay phim, chụp ảnh, để lọt đề thi ra ngoài. Các điểm thi quản lý chặt chẽ những người ra/vào trường thi không để người lạ xuất hiện trong khuôn viên trường thi nhằm mục đích giải đề hay truyền thông tin vào cho thí sinh.