Cảnh giác với nhiễm độc chì ở trẻ
Nhiễm độc chì có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy, làm thế nào để giữ cho trẻ khỏi nhiễm độc chì?
1. Chì nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe của trẻ?
Các nghiên cứu cho thấy, chì gây độc cho não và hệ thần kinh, dù chỉ với một lượng nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi.
Khi trẻ bị nhiễm độc chì có thể làm giảm chỉ số IQ, tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, mất thính giác và tổn thương các dây thần kinh.
Chì cản trở quá trình chuyển hóa vitamin D, suy giảm phân bào, cản trở sự phát triển của xương, ức chế mọc răng, thoái hóa sụn xương, gây ra tình trạng mủn xương.
Nhiễm độc chì làm ức chế tạo hemoglobin dẫn đến thiếu máu; giảm sự tiếp nhận oxy của các cơ quan, gây khó thở, tim đập nhanh, tăng huyết áp, mệt mỏi, viêm thận mạn tinh, rối loạn sự phát triển tinh hoàn ở trẻ, gây vô sinh, hiếm muộn sau này…
2. Triệu chứng khi trẻ bị nhiễm độc chì
Trẻ nhiễm độc chì thường có các triệu chứng: Run rẩy, yếu cơ, đi không vững, sút cân, uể oải, co giật, ăn không ngon, táo bón, mất ngủ, đau đầu, nôn mửa, thiếu máu, tổn thương thận, gặp rắc rối về thính lực, đau, chuột rút bất thường.
Nếu thấy trẻ có một trong những triệu chứng trên thì có thể trẻ đã bị nhiễm độc chì, nên đưa bé đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
3. Trẻ em tiếp xúc với chì từ đâu?
Trẻ nhỏ thường chạm vào rất nhiều thứ và cho tay vào miệng. Chì có thể thâm nhập vào cơ thể trẻ từ các nguồn sau: Thuốc, sơn có chì, bụi gia dụng, chén, bát tráng men, đồ chơi, trang sức có màu sắc bắt mắt dành cho trẻ em, nước chảy từ các đường ống, vòi bị mòn hoặc nhiễm chì, đất bị ô nhiễm, khói công nghiệp hoặc các công trình xây dựng…
Sơn chì: Trong những ngôi nhà được xây dựng trước năm 1978, sơn chì có thể ở dưới lớp sơn khác và thường gặp nhất trên bậu cửa sổ, xung quanh cửa ra vào, có thể ở trong đất xung quanh ngôi nhà. Nếu sơn bị bong tróc, trẻ em có thể nuốt phải. Bụi từ lớp sơn cũ có thể rơi xuống sàn nhà hoặc các bề mặt khác mà trẻ chạm tay vào và sau đó cho tay vào miệng.
Khí chì:Mặc dù bị cấm vào năm 1996 nhưng việc sử dụng khí chì vẫn được phép sử dụng trong máy bay, thiết bị nông nghiệp, xe đua và động cơ hàng hải...
Nước đi qua ống chì:Chì có thể được tìm thấy trong nước của những ngôi nhà cũ có đường ống bằng chì.
4. Làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi chì?
Để bảo vệ trẻ tránh nguy cơ nhiễm độc chì, các bậc cha mẹ nên:
- Cần biết về những khả năng phơi nhiễm chì có thể xảy ra.
- Việc cải tạo nhà cũ thường tạo ra bụi và mảnh vụn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm. Do đó, nếu có kế hoạch cải tạo nhà, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm tránh nguy cơ phơi nhiễm.
- Nếu có chì trong nhà, bạn không nên tự loại bỏ chì. Việc xử lý an toàn cần phải được thực hiện một cách cẩn thận bởi một chuyên gia về lĩnh vực này.
- Cần kiểm tra đường ống nước trong nhà. Sử dụng bộ lọc nước có thể làm giảm hoặc loại bỏ chì trong nước máy.
- Nếu bạn sống trong một ngôi nhà cũ và ở khu vực đô thị, có thể có chì trong đất, đừng để trẻ chơi trên đất trống, nhắc trẻ cởi giày trước khi vào nhà và rửa tay sau khi ra ngoài.
- Tìm hiểu về chì trong thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc cổ truyền.
- Tìm hiểu về chì trong đồ chơi, đồ trang sức và nhựa.
Ngoài ra, cần trao đổi với bác sĩ nhi khoa về việc liệu con bạn có nên xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm độc chì hay không.
Học viện nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị:
- Nên đánh giá nguy cơ phơi nhiễm ở trẻ nhỏ trong tất cả các lần khám sức khỏe từ 6 tháng đến 6 tuổi.
- Kiểm tra trẻ nếu có nguy cơ, đặc biệt là lúc 12 và 24 tháng. Trẻ có nguy cơ cao khi sống trong một ngôi nhà cũ, hoặc khu vực có nhiều ngôi nhà cũ.
- Nếu trẻ có khả năng bị phơi nhiễm, hãy đưa trẻ đi xét nghiệm.
5. Điều trị nhiễm độc chì thế nào?
Nếu nghi ngờ trẻ có chì trong máu, cần ngay lập tức cho trẻ kiểm tra mức độ phơi nhiễm chì, đồng thời phải tìm cách loại bỏ chì. Khi không tiếp xúc với chì nữa, mức độ chì sẽ giảm xuống, mặc dù rất chậm.
Thiếu sắt khiến cơ thể dễ bị nhiễm độc chì. Nếu con bạn bị thiếu sắt thì nên điều trị, nhưng thường không dùng thuốc trừ khi mức độ chì rất cao. Trong những trường hợp đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc đặc biệt giúp loại bỏ chì ra khỏi máu.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-nhiem-doc-chi-o-tre-16923051210580142.htm