Cảnh giác với những chiêu thức vận động không đi bầu cử

Những ngày này, trong khi công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các địa phương hoàn tất thì ở một số nơi xuất hiện tình trạng kêu gọi cử tri không đi bầu cử với các lý do khác nhau.

Trong đó, đáng chú ý là thủ đoạn kích động không đi bầu cử với lý do giải quyết chưa hiệu quả các mâu thuẫn kinh tế ở cơ sở. Đây là chiêu thức mới rất nguy hại vì nó vi phạm nghiêm trọng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Ngày 6-5, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản cá nhân có tên #CLBPĐT chia sẻ thông tin với khẩu hiệu: “Chúng tôi sẽ không tham gia đi bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới 2021-2026”. Nguyên nhân kêu gọi cử tri địa phương này không đi bầu cử là do nghi ngờ cán bộ chính quyền địa phương đã thỏa thuận "chia ghế" trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đặc biệt, họ vin vào cớ do việc đối thoại giữa nhân dân địa phương và chính quyền trong giải quyết vấn đề đất đai chưa hiệu quả, nên sẽ không đi bầu cử.

Ngày 18-5, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại hội nghị này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu một vài hiện tượng vận động người dân không đi bầu cử. Thủ đoạn của các đối tượng này là trực tiếp gặp gỡ hoặc nói chuyện trên điện thoại, thông qua mạng xã hội để xúi giục người dân đưa ra yêu cầu này, điều kiện kia, nếu chính quyền không đảm bảo đáp ứng yêu cầu thì sẽ không đi bầu cử. Đây là chiêu trò không mới nhưng hết sức nguy hại.

Hành vi nói trên là vi phạm Điều 95, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử). Theo đó, người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy rằng, những hoạt động tuyên truyền đơn lẻ ở các hình thức và nội dung khác nhau về bầu cử thời gian qua trên không gian mạng và trên mạng xã hội của các đối tượng, đều nhắm tới mục đích phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mục đích của các đối tượng này là lôi kéo nhân dân, nhất là những trường hợp xung đột lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng trong công tác đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội giữa chính quyền địa phương với người dân. Hoặc các đối tượng lợi dụng bất cứ lý do nào để đưa ra quan điểm không đi bầu cử một cách phiến diện. Thực chất, đây là chiêu thức rất thâm độc cần phải đấu tranh để vạch rõ bản chất, ý đồ.

Trước hết, phải khẳng định rằng, quyền lợi kinh tế chỉ là một phần trong các quyền lợi khác mà người dân được thụ hưởng ở một đất nước có độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Thực tế, ngoài quyền lợi về phát triển kinh tế, nhân dân còn được pháp luật bảo hộ về các quyền chính trị, tôn giáo, văn hóa, y tế và giáo dục... Trong những nội dung này thì quyền về chính trị là cao nhất. Và quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Ngày 23-5 tới, cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi lá phiếu không chỉ là minh chứng cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ mà còn thể hiện lòng tin, sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri cả nước đối với những người được bầu.Thông qua lá phiếu của mình, mỗi cử tri góp phần xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh. Cũng qua lá phiếu để bày tỏ tình yêu đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước.

Tìm hiểu Luật Bầu cử có thể thấy nhiều vấn đề về chuẩn bị bầu cử cũng như quyền, nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử được quy định hết sức chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ. Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong cả nước thời gian qua được tiến hành chặt chẽ, đúng luật và đến nay chưa thấy có bất cứ dấu hiệu, hiện tượng nổi cộm mang ý chí của một cá nhân, hoặc một nhóm cá biệt ngoài các tổ chức đã được quy định rõ ràng trong Luật Bầu cử.

Việc giải quyết lợi ích kinh tế giữa nhân dân và chính quyền địa phương là công việc thường xuyên và muốn giải quyết được các xung đột lợi ích kinh tế cần hội tụ các điều kiện và cần có thời gian để tìm các biện pháp phù hợp. Thực tế cho thấy, việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo kéo dài thời gian qua của các cấp chính quyền trong cả nước đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện tinh thần trọng dân, vì nhân dân ngày càng rõ nét hơn.

Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo năm 2020 cho thấy, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 4%. Điều đáng lưu ý là, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Lâu nay, việc tìm cớ để kích động nhân dân phá hoại các sự kiện chính trị ở Việt Nam của những kẻ thù địch và những kẻ bất đồng chính kiến trong, ngoài nước là không hiếm. Trong các sự kiện chính trị trước đây, nhân dân trong nước rất bức xúc trước hiện tượng cắt ghép thông tin, nói xấu, vu khống, quy chụp nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Đảng với nhân dân, hòng lật đổ sự lãnh đạo của Đảng, thiết lập nhà nước tam quyền phân lập theo mô hình các nước phương Tây. Tuy nhiên, những mưu đồ ấy đều đã thất bại. Ở thời điểm này, khi ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần thì những phương thức, thủ đoạn mới của chúng như ví dụ đã kể ở trên liên tục được tung ra cũng là điều dễ hiểu.

Trước vấn đề này, một trong những biện pháp mà mỗi người cần lưu tâm là luôn coi trọng quyền, nghĩa vụ, qua đó xác định rõ trách nhiệm công dân với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Cụ thể là cần nắm vững quyền, trách nhiệm cử tri trong bầu cử và không để các thế lực thù địch, kẻ bất đồng chính kiến lôi kéo thực hiện các mưu đồ thâm độc. Các cấp ủy Đảng và chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa ngày bầu cử cũng như quyền của cử tri. Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để nhân dân nắm chắc tiến trình, kết quả công tác chuẩn bị bầu cử và kết quả sau bầu cử. Thiết nghĩ, để giải quyết việc này triệt để thì cơ quan bảo vệ pháp luật nên điều tra, xử phạt nghiêm khắc, đúng quy định đối với những kẻ chủ mưu vi phạm pháp luật.

Cùng lên tiếng để vạch mặt, chỉ tên những kẻ cơ hội chính trị, ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin phá hoại bầu cử lan rộng trong cộng đồng chính là biện pháp hiệu quả để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, thành công tốt đẹp.

Đại Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/999894/canh-giac-voi-nhung-chieu-thuc-van-dong-khong-di-bau-cu