Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những hoạt động lừa đảo trên không gian mạng qua các ứng dụng mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn nhưng kẻ gian với nhiều chiêu trò mới tinh vi hơn vẫn khiến không ít người dân dính bẫy lừa đảo và bị chiếm đoạt tài sản.

Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (Mbbank) chi nhánh Hưng Yên hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng an toàn

Nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (Mbbank) chi nhánh Hưng Yên hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng an toàn

Lợi dụng tình trạng quá tải trong việc làm căn cước tại các địa phương, đặc biệt là làm căn cước cho trẻ em, các đối tượng lừa đảo sau khi có được thông tin cá nhân cơ bản của người dân, chúng gọi điện giả danh công an để lừa đảo. Trước ngày nghỉ lễ 2/9, chị Đ.T.C., ở xã Tân Quang (Văn Lâm) nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ công an xã gọi điện thông báo cho chị C. về việc tài khoản định danh điện tử của chị chưa được cập nhật đầy đủ nên ảnh hưởng đến việc làm căn cước cho các con của chị. Đối tượng không chỉ đọc rõ thông tin cá nhân của chị mà ngay cả thông tin của các con chị cũng chính xác. Chính vì vậy, chị C. đã tin đây là cán bộ công an thật và có đề nghị qua nghỉ lễ sẽ đến công an xã để làm thủ tục. Sau đó, đối tượng gợi ý cho chị C. là nên nộp hồ sơ trực tuyến đăng ký làm căn cước cho con trên Cổng dịch vụ công quốc gia trước nhằm thuận lợi và nhanh chóng hơn khi đi làm căn cước cho con. Chúng cung cấp cho chị đường link giả của Cổng dịch vụ công quốc gia và yêu cầu chị C. chuyển khoản 20 nghìn đồng tiền phí đăng ký vào tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia giả. Khi chị C. truy nhập theo đường link đối tượng gửi và thao tác làm theo các bước đăng ký đồng thời mở app ngân hàng để chuyển khoản 20 nghìn đồng theo yêu cầu của đối tượng thì phát hiện hơn 10 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình đã "không cánh mà bay". Lúc này chị mới nhận ra mình đã bị lừa. Thì ra lúc chị truy nhập đồng thời vào đường link giả và mở app ngân hàng, đối tượng đã lấy được hình ảnh nhận diện khuôn mặt của chị nên dễ dàng thực hiện giao dịch chuyển khoản từ tài khoản của chị.

Chị C. chia sẻ: Tôi cũng đã nghe nhiều về các hình thức lừa đảo qua mạng nhưng vẫn bị lừa bởi vì thấy ban đầu chúng bảo mình ra công an xã để làm việc và khi yêu cầu chuyển khoản cũng chỉ có 20 nghìn đồng. Vì vậy, tôi nghĩ chả ai đi lừa đảo 20 nghìn đồng cả nhưng không ngờ 20 nghìn đồng chỉ là mồi nhử để tôi mở app ngân hàng giúp cho chúng thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Đây là bài học để tôi và nhiều người khác cần hết sức cảnh giác trước các cuộc điện thoại tự xưng là công an hay cán bộ của các cơ quan chức năng. Mọi người khi nhận các cuộc gọi này cần bình tĩnh, chủ động tìm cách ngắt kết nối để tìm hiểu thông tin. Và đặc biệt là khi thực hiện chuyển khoản, cần tắt các ứng dụng khác nhằm hạn chế việc bị lộ, lọt thông tin cũng như tránh việc bị lừa đảo như trường hợp của tôi.

Không nhận cuộc gọi lừa đảo nhưng chị N.T.L. ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) lại bị làm phiền bởi các tin nhắn quảng cáo. Từ đêm ngày 7/9, Chị L. liên tục nhận được các tin nhắn quảng cáo với tần suất chỉ vài phút 1 lần. Trong điều kiện công việc phải tham gia khắc phục hậu quả của bão số 3 nhưng điện thoại liên tục bị làm phiền khiến điện thoại bị hao pin, gây ảnh hưởng tới thông tin liên lạc. Sau nhiều giờ bị làm phiền bằng tin nhắn quảng cáo, chị nhận được tin nhắn có nội dung thông tin là điện thoại của chị đã bị nhiễm vi rút nên chị cần thực hiện theo hướng dẫn để khắc phục tình trạng này. Nhận thấy đây có thể là hoạt động của các đối tượng lừa đảo, chị L. đã mang điện thoại tới cửa hàng sửa điện thoại trên đường Điện Biên nhờ hỗ trợ. Tại đây, chị được biết điện thoại của chị đã bị nhiễm vi rút và nhiều khả năng bị kẻ xấu lợi dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, chị đã cài đặt lại điện thoại và các ứng dụng cần thiết. Chính sự tỉnh táo, bình tĩnh của chị L. đã giúp chị tránh được nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý muốn nhanh chóng, thuận lợi của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính hoặc nôn nóng giải quyết vấn đề của người dân để đặt các bẫy lừa. Chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi khiến không ít người bị sập bẫy mất cả tiền và gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Đồng chí Đỗ Đình Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chúng tôi liên tục cập nhật các chiêu thức lừa đảo qua mạng để khuyến cáo tới người dân. Tuy nhiên, tội phạm mạng ngày càng tinh vi với các chiêu trò lừa đảo thường xuyên thay đổi. Do vậy, mỗi người dân khi hoạt động trên không gian mạng cần hết sức tỉnh táo và bình tĩnh. Cần đặc biệt lưu ý rằng, các cơ quan chức năng như: Công an, viện kiểm sát, tòa án hay các ngân hàng, cơ quan bảo hiểm… không liên hệ với người dân để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc trao đổi làm việc bằng điện thoại hay qua mạng xã hội. Do vậy, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ của cơ quan chức năng, người dân cần cảnh giác vì nhiều khả năng đây là lừa đảo. Người dân cần xác thực lại các thông tin qua nhiều kênh khác nhau để tránh bị tiền mất mà lại có thêm các rắc rối, phiền toái. Ngoài ra, người dân cần hạn chế đưa các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội, bởi đây chính là nguồn để kẻ xấu thu thập dữ liệu phục vụ cho hành vi lừa đảo…

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/canh-giac-voi-nhung-chieu-tro-lua-dao-tinh-vi-qua-mang-xa-hoi-dien-thoai-tin-nhan-3175354.html