Cảnh giác với tai biến mạch máu não trong mùa lạnh
Vào mùa lạnh, các ca bị tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) gia tăng. Vì vậy, việc phòng bệnh là rất cần thiết.
Thống kê của Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng 15-30%.
Còn tại Khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, trong những ngày thời tiết lạnh vừa qua, số ca nhập viện cấp cứu tăng 1,5 lần, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-35 bệnh nhân, trong đó chủ yếu bị tai biến mạch máu não.
PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sở dĩ bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng vào mùa lạnh bởi vào mùa này, mạch máu co lại, áp suất lòng mạch cao hơn nên biến cố cao hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi. Trước đây, đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay, khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua.
Tai biến mạch máu não rất nguy hiểm. Ảnh: Internet
80% các trường hợp đột quỵ não do nhồi máu não (loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não), 20% do xuất huyết não. “Có nhiều nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, có thể do mắc các bệnh như: Cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu,… nhưng không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ não”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, chuyên gia chỉ cách, cần nhớ tới từ F.A.S.T (nhanh chóng), gồm liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi; yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Khi cho bệnh nhân giơ cả hai tay thì một tay yếu hơn không nâng được); rối loạn ngôn ngữ (Speech): Nói khó, nói không rõ hoặc không hiểu lời nói; thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay, người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Phòng bệnh như thế nào?
Đột quỵ não được coi là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới, cũng là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Người bị đột quỵ não có thể gặp các biến chứng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau, trước hết là liệt vận động. Theo thống kê, khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hằng ngày. Đồng thời, bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu..., có thể khiến người bệnh tử vong.
Tiếp đến, bệnh nhân có thể bị loạn ngôn ngữ sau đột quỵ như nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi và gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được. Suy giảm nhận thức trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc, rối loạn tiểu tiện cũng là những di chứng người bị đột quỵ não phải gánh chịu.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để phòng bệnh và dự phòng tái phát đột quỵ não, người dân cần lưu ý điều trị các nguyên nhân gây nhồi máu não như: Các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu.
Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Chẳng hạn, thực hiện chế độ giảm chất béo, giảm mặn, giảm tinh bột, đường; tăng cường ăn nhiều rau xanh; chơi thể thao mỗi ngày 30 phút; ngưng hút thuốc lá, rượu bia và tránh béo phì.
Cùng với đó là tái khám theo định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi có các triệu chứng đột quỵ não, người bệnh cần phải nhanh chóng đến bệnh viện, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà. Thời gian đến viện càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong vòng 6 giờ đầu sau khi tai biến thì sẽ có cơ hội phục hồi cao nhất.