Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an Phú Yên đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Ảnh: LƯU HẠNH

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp có nhiều bài viết cảnh báo về việc các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát… gọi điện thoại thông báo, hăm dọa nạn nhân đang bị kiện, bị nợ ngân hàng hoặc liên quan đến vụ án hình sự, ma túy… để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thủ đoạn và các chiêu trò không mới này vẫn còn làm một số người dân sập bẫy.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên nhận được các tin báo của người dân trên địa bàn về việc họ bị các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện thoại hăm dọa, uy hiếp tinh thần để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Nhiều người sập bẫy

Một trong những nạn nhân là chị V.T.A.T (SN 1988, trú phường 2, TP Tuy Hòa). Ngày 16/8, chị T bất ngờ nhận cuộc điện thoại từ ứng dụng Viber của một người đàn ông tự xưng tên Tô Ngọc Lan, đang làm việc tại Công an TP Đà Nẵng. Qua điện thoại, người đàn ông này cho biết, chị T có liên quan đến một đường dây rửa tiền, mua bán ma túy với một đối tượng tên Nguyễn Văn Dũng và hăm dọa sẽ bắt tạm giam chị T. Tiếp theo đó, một số đối tượng khác tự xưng tên Đặng Minh Quân, Nguyễn Xuân Vinh, Lê Tiến … giả làm cán bộ công an, viện kiểm sát tiếp tục gọi điện thoại hù dọa, trấn áp tinh thần, yêu cầu chị T phải cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng... Vì quá lo sợ, chị T làm theo và bị chúng chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Với thủ đoạn và chiêu trò tương tự, trước đó, ngày 13/8, bà N.T.A (SN 1954, trú phường 2, TP Tuy Hòa) bị một người tên là Mai Tú Anh gọi điện thoại tự xưng là nhân viên bưu điện, đề nghị chuyển cho bà A giấy mời của TAND TP Hà Nội về việc bà mở thẻ tín dụng và đang nợ ngân hàng số tiền hơn 54 triệu đồng. Trong lúc bà A còn ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đối tượng trên nhanh chóng nối máy, chuyển cuộc gọi của bà A đến đường dây nóng, gặp một người tự xưng thượng úy Lê Thanh Nam, đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Người này cho biết, hiện trong tài khoản bà A ở ngân hàng đang có 6 tỉ đồng do đường dây mua bán ma túy xuyên Việt chuyển vào, sau đó nối máy, đề nghị bà A nói chuyện với cấp trên của Nam tên là Giang. Sau khi hăm dọa, dẫn dắt chuyện lòng vòng, bọn chúng yêu cầu bà A hợp tác điều tra bằng cách kê khai toàn bộ tài sản và nộp tiền vào tài khoản để bọn chúng quản lý. Nếu bà A tiết lộ việc này, bọn buôn bán ma túy sẽ đến hãm hại người thân. Vì quá lo sợ, bà A đã cung cấp mã số, mật khẩu ATM, mã OTP và nhanh chóng bị chúng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 519 triệu đồng.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hết sức đa dạng, tinh vi và phức tạp. Các đối tượng này thường sử dụng công nghệ cao, thực hiện các cuộc gọi ẩn danh hoặc giả số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án. Kịch bản chung mà bọn chúng thường đưa ra là gọi điện thoại thông báo, cho biết nạn nhân đang gặp chuyện dính dáng đến pháp luật và yêu cầu nạn nhân hợp tác làm việc. Quá trình hăm dọa, dẫn dắt chuyện đi lòng vòng, nếu phát hiện nạn nhân hoảng loạn tinh thần, chúng sẽ thực hiện các thủ đoạn tiếp theo để chiếm đoạt tài sản.

Cần đề cao cảnh giác

Thượng tá Trần Thanh Tâm, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, mặc dù Phòng CSHS đã liên tiếp cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này, nhưng vẫn còn có người trên địa bàn tỉnh sập bẫy của bọn chúng. Đó thường là những người ít cập nhật thông tin trên báo chí và trên mạng xã hội. Khi xảy ra vụ việc, vì những lý do cá nhân khác nhau nên có trường hợp chậm, hoặc không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý đối với loại tội phạm này.

Để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, thượng tá Trần Thanh Tâm khuyến cáo người dân đề cao tinh thần cảnh giác. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng để sớm nhận diện, cảnh giác, phổ biến kiến thức để người thân, bạn bè… chủ động phòng tránh với loại tội phạm này, mỗi người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng. “Không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng nhằm tránh việc lộ thông tin cá nhân, tạo cơ hội để bọn tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi gặp phải các trường hợp, đối tượng nghi vấn, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất”, thượng tá Trần Thanh Tâm lưu ý.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/284687/canh-giac-voi-thu-doan-gia-danh-lua-dao-chiem-doat-tai-san.html