Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng lòng tốt để lừa đảo

Thời gian qua xuất hiện tình trạng một số đối tượng lấy những hình ảnh thương tâm, bệnh tật, rủi ro, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tàn tật, thậm chí nạn nhân tử vong… kèm theo bài viết rồi đưa lên mạng xã hội để đánh vào lòng tốt của người khác, kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, khi tiền của người ủng hộ chuyển vào tài khoản các đối tượng đăng kèm, chúng sẽ chiếm đoạt.

Truy cập vào các mạng xã hội, hội nhóm trên Facebook, nhiều người đọc được một số bài viết dễ “lấy đi nước mắt” do hình ảnh thương tâm, thông tin về nạn nhân có hoàn cảnh éo le, gặp tai nạn hoặc bệnh tật nguy kịch. Kèm theo đó là lời kêu gọi giúp đỡ khẩn thiết, tài khoản ngân hàng có tên giống với nhân vật. Nếu không tỉnh táo, nhiều người dễ dàng chuyển tiền vào tài khoản với ý nghĩ chia sẻ phần nào với người khó khăn. Đây chính là một trong những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

 Công an thị trấn Vôi (Lạng Giang) cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cho Nhân dân.

Công an thị trấn Vôi (Lạng Giang) cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cho Nhân dân.

Trao đổi với cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, chúng tôi được biết về một trường hợp điển hình. C.T.T (sinh năm 1999), trú tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa) do không có việc làm ổn định, cần tiền chi tiêu nên đã nảy sinh ý định sử dụng tài khoản Facebook để lừa tiền của mọi người. T sử dụng tài khoản Facebook đưa thông tin giả, sai sự thật về những người có hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi cá nhân, tổ chức ủng hộ. Trên thực tế, T không ủng hộ những hoàn cảnh đó mà sử dụng tiền của các nhà hảo tâm vào việc cá nhân. Qua điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an đã bắt giữ T.

Gần đây, lợi dụng vụ cháy chùa làng Vẽ, phường Thọ Xương (thành phố Bắc Giang) xảy ra ngày 10/2, một số đối tượng đã lập các trang Facebook mạo danh sư trụ trì để quyên góp tiền, có dấu hiệu kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Trang Facebook tên “13 Hạnh Đầu Đà” đăng tải thông tin về việc kêu gọi phát tâm tu sửa, xây dựng lại chùa sau đám cháy kèm theo nhiều hình ảnh từ vụ cháy, tài khoản nhận ủng hộ tên là Nguyễn Thành Luân, số tài khoản 19074094467017. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng đây là trang Facebook do nhà chùa lập ra để tạo lòng tin và lợi dụng sự thương cảm của người dân để chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng.

 Trang facebook "13 Hạnh Đầu Đà" đăng tải thông tin kêu gọi phát tâm tu sửa chùa làng Vẽ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trang facebook "13 Hạnh Đầu Đà" đăng tải thông tin kêu gọi phát tâm tu sửa chùa làng Vẽ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Làm việc với cơ quan công an, sư trụ trì chùa làng Vẽ khẳng định nhà chùa không sử dụng tài khoản mạng xã hội, không có bất cứ lời kêu gọi đóng góp nào trên mạng xã hội. Ngay sau đó, Công an tỉnh đã làm rõ hành vi, đưa ra cảnh báo để ngăn ngừa lừa đảo, buộc đối tượng gỡ bỏ bài viết.

Chị N.T.L ở phường Thọ Xương (thành phố Bắc Giang) là người thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện do thương cảm với những hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần chị trực tiếp đến các gia đình hoạn nạn, nếu ở xa, chị chuyển khoản số tiền nhỏ. “Trước kia, nhiều lần đọc trên mạng những trường hợp như vậy, tôi có giúp đỡ bằng cách chuyển tiền song từ khuyến cáo của lực lượng công an, tôi tìm hiểu kỹ và thấy không ít đối tượng lợi dụng điều này để trục lợi. Do vậy, giờ đây tôi thường thông qua các đoàn thể, tổ chức uy tín để làm từ thiện”, chị L nói.

Theo Thượng úy Nguyễn Duy Hoàng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, thủ đoạn các đối tượng sử dụng tập trung ở việc đăng bài về những cá nhân khác nhau có hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... nhưng số tài khoản và tên chủ tài khoản nhận tiền ủng hộ hảo tâm thì không thay đổi (cùng là một người).

Thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ năm 2024 đến nay, đơn vị đã làm rõ 41 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Một số đối tượng viết bài đăng với cùng một nội dung hoàn cảnh, hình ảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... giống hệt nhau nhưng tên người thân đứng ra nhận tiền ủng hộ lại là hai người khác nhau với số tài khoản và tên tài khoản khác nhau. Khó khăn lớn nhất trong điều tra, xử lý loại tội phạm này là nhiều người dù biết bị lừa nhưng không trình báo do cho rằng số tiền không lớn, ngại làm việc với cơ quan công an. Dù mỗi cá nhân chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn đồng nhưng nếu số lượng nạn nhân nhiều, số tiền các đối tượng chiếm đoạt có thể rất lớn.

Thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ năm 2024 đến nay, đơn vị đã làm rõ 41 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, lợi dụng lòng tốt nhằm chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ các nội dung thông tin đăng tải, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về những hoạt động, người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin. Các nhà hảo tâm nên lựa chọn ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước đứng ra tổ chức hoặc các tổ chức, cá nhân có uy tín. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-giac-voi-thu-doan-loi-dung-long-tot-de-lua-dao-postid416528.bbg