Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mở sổ tiết kiệm lãi suất cao
Nắm bắt thông tin lãi suất ngân hàng đang thấp, đã xuất hiện một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng đăng lãi suất cao để chào mời gửi tiết kiệm.
Trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng CAP Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết mới đây đã tiếp nhận đơn trình báo của một công dân trên địa bàn phường về một thủ đoạn lừa đảo mới.
Theo trình báo của người dân, nắm bắt được thông tin hiện tại lãi suất ngân hàng đang thấp, trong khi nhu cầu người dân lại muốn gửi tiết kiệm lãi suất cao, do đó, đã xuất hiện một số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng đăng lãi suất cao hơn ngân hàng để chào mời người gửi tiết kiệm.
Để lấy lòng tin thể hiện mình là nhân viên tư vấn khách hàng của ngân hàng, các đối tượng lừa đảo gửi cho người dân một mã code và thông báo chỉ khi nhập mã code đó người gửi mới được lãi suất đó. Khi người dân nhập mã code sẽ ra tên đầy đủ nhân viên ngân hàng, khiến người dân tưởng lầm đó là nhân viên tư vấn của ngân hàng thật.
Sau khi mở tài khoản thành công, các đối tượng sẽ yêu cầu người gửi nâng cấp lên tài khoản VIP để được cộng lãi suất cao. Bắt đầu từ đây, người dân bước vào "ma trận" lừa đảo mà các đối tượng đã bày ra trước đó.
Đối tượng sẽ gửi link giống giao diện của app ngân hàng bạn vừa cài đặt, nhưng đó là link giả tạo ra để lừa đảo. Có thể khi ấn vào đường link sẽ mất quyền điều khiển điện thoại, máy tính, hoặc một đường link là lệnh chuyển tiền online, khi gửi mã OTP về, sẽ yêu cầu bạn đọc mã OTP, khi nhập vào toàn bộ tiền trong tài khoản sẽ mất.
Hoặc, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân nạp tiền vào tài khoản bình thường và mở sổ tiết kiệm online, nhưng lãi suất sẽ không được như lời đối tượng nói, sau đó tiến hành yêu cầu bạn làm theo các bước trên để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài thủ đoạn này, cơ quan công an cũng đã ghi nhận cùng thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng gửi tin nhắn, gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết... dọa khóa tài khoản.
Để giải quyết các vấn đề trên, đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập vào đường liên kết (link) trang web giả mạo ngân hàng, cài đặt ứng dụng do chúng tạo ra nhằm đánh cắp các thông tin tài khoản ngân hàng gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP ngân hàng, xong chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không ấn vào bất cứ đường link nào của bất kỳ ai gửi cho mình. Tốt nhất nếu có nhu cầu sử dụng app ngân hàng, thì tự tải app trên ứng dụng và tạo tài khoản rồi tự vào lại app của mình.
Nếu người gọi điện thoại tự nhận là nhân viên tư vấn của của ngân hàng có lãi suất cao, người dân ra trực tiếp quầy giao dịch để xác minh thêm, không nên làm theo hướng dẫn online.
Theo trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội, các đối tượng lừa đảo đã chuẩn bị trước, lấy được mã code của nhân viên ngân hàng, nên khi khách hàng nhập mã code sẽ có đầy đủ thông tin của nhân viên ngân hàng thật.
Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối về thông tin của các tài khoản trên gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng... Tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được nguồn gốc.
Không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.