Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc, chống phá trong công tác tuyển quân
Tòng quân, nhập ngũ, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) đã trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong nhiều năm qua. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ quốc mà còn là tình yêu quê hương đất nước; là mong muốn được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, lợi dụng không gian mạng xã hội, internet, cứ gần đến mùa tuyển quân hàng năm các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, chống phá, hòng làm suy giảm lòng tin của người dân vào môi trường Quân đội, gây khó khăn cho công tác tuyển quân của các địa phương.
Theo truyền thống từ nhiều năm qua, cứ sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, trên mọi miền Tổ quốc có hàng chục nghìn thanh niên lại nô nức lên đường tòng quân, tham gia thực hiện NVQS và nghĩa vụ công an nhân dân (gọi tắt là tuyển quân). Việc làm này đã trở thành nét đẹp văn hóa và nguyện vọng chính đáng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Để lựa chọn được những thanh niên có đủ tiêu chuẩn về lý lịch chính trị, sức khỏe, trình độ văn hóa tham gia nhập ngũ thì ngay trong tháng 11 và tháng 12 của năm trước các địa phương (xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố, thị xã) phải chủ động làm tốt công tác rà soát nguồn, khám tuyển, sàng lọc kỹ càng và “chốt” được danh sách thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.
Những năm qua, các địa phương trong cả nước tổ chức thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước trong tuyển quân. Một số nơi đã trở thành điểm sáng về công tác này khi lựa chọn được những “hạt giống đỏ” để tạo nguồn cán bộ cho Quân đội và cơ sở khi người thanh niên hoàn thành nghĩa vụ trở về, viết tiếp truyền thống của quê hương “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân được giao.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những năm gần đây các thế lực thù địch, phản động có ý đồ cơ hội chính trị lợi dụng sự phát triển của không gian mạng xã hội dàn dựng, cắt ghép hình ảnh, video tung lên mạng với mục đích hạ uy tín của Quân đội, làm cho người dân và thanh niên mất niềm tin vào môi trường quân ngũ. Một số trang mạng xã hội thù địch còn kích động, lôi kéo thanh niên không đi khám tuyển, tìm mọi cách để trốn tránh khám tuyển NVQS, nghĩa vụ công an; xúi bẩy những quân nhân đang thực hiện NVQS thì đảo ngũ, gây áp lực, đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu với chính quyền cơ sở. Hình ảnh mà chúng đưa lên mạng xã hội là những cảnh quân đội nước ngoài làm những việc sai trái, dàn dựng cảnh bộ đội đánh nhau, mà chúng cho rằng “ma cũ bắt nạt ma mới”; sĩ quan hành hạ, làm nhục hình chiến sĩ; những vụ việc cũ đã được các cơ quan chức năng giải quyết từ lâu nhưng cũng chúng xới lên như vụ việc mới, để bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; rồi những luận điệu suy bì, toan tính, phân tích thiệt hơn khi thanh niên tham gia thực hiện NVQS, chung đánh giá là mất hơn là được và thiệt thòi hơn nhiều so với thanh niên đi làm kinh tế bên ngoài...
Những hình ảnh, video, lời bình mà chúng tung lên mạng thường lập lờ, võ đoán, không có địa chỉ cụ thể của cơ quan, đơn vị Quân đội nào; lời lẽ miệt thị, vu khống trắng trợn, làm cho thanh niên và gia đình bán tín bán nghi dẫn đến “tự diễn biến”, đắn đo, do dự khi nhận thông báo khám tuyển, lệnh gọi nhập ngũ. Cá biệt, trên không gian mạng còn xuất hiện các hội, nhóm bày cách, vẽ đường cho thanh niên dùng các mưu kế, thủ đoạn để trốn tránh thực hiện khám tuyển NVQS, công an, lôi kéo những thanh niên “chậm tiến”, có suy nghĩ lệnh lạc, lối sống hưởng thụ tham gia hội nhóm; hướng dẫn thanh niên trốn khỏi nơi cư trú trong thời gian khám tuyển để chính quyền cơ sở “không biết đâu mà lần”. Một số kẻ xấu còn “vẽ đường cho hươu chạy” bằng cách hướng dẫn thủ đoạn để “lọt khe cửa hẹp” khi khám tuyển, gây khó khăn cho công tác tuyển quân và bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi những thông tin xấu độc được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ nhận được nhiều bình luận trái chiều, tạo luồng dư luận không tốt, gây lo lắng, hoang mang trong quần chúng Nhân dân.
Để thanh niên và người dân nhận biết rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và kẻ xấu về công tác tuyển quân, mỗi người khi tham gia mạng xã hội, cần phải chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng, tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải, không để mắc mưu các thế lực thù địch. Chỉ nên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy lùi thông tin tiêu cực, dập tắt các luận điệu xuyên tạc, chống phá. Trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên của các đoàn thể chính trị xã hội cần gương mẫu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động con em, người thân, hàng xóm không tham gia chia sẻ, bình luận trên không gian mạng về công tác tuyển quân. Mặt khác làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện NVQS, nghĩa vụ công an, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước.
Đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác tuyển quân của địa phương mình; xét tuyển phải đảm bảo công bằng, công khai, đúng luật, không để khiếu kiện xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phổ biến đầy đủ những chế độ, tiêu chuẩn được hưởng của chiến sĩ nghĩa vụ. Đồng thời xử lý nghiêm tất cả các hành vi cản trở, chống đối trong công tác tuyển quân, kịp thời biểu dương, động viên những gia đình, địa phương làm tốt công tác này; quan tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên thanh niên và gia đình trước ngày lên đường nhập ngũ, tạo khí thế sôi nổi, trang nghiêm, ý nghĩa trong ngày giao nhận quân.