Cảnh giác với tin giả, tin sai lệch chưa được kiểm chứng về bão, lũ
Theo đại diện Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), những ngày qua, việc có rất nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội chia sẻ thông tin phân tích dự báo bão, lũ chưa được kiểm chứng đã gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an toàn của người dân và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai của các cơ quan chức năng.
Chiều 22/7, ông Vũ Đức Long, Trưởng phòng Quản lý Dự báo và Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, Cục Khí tượng thủy văn đã có chia sẻ về tình trạng trên mạng xã hội, nhiều người không có chuyên môn nhưng vẫn tự ý livestream, phân tích, dự báo bão lũ dựa trên bản đồ từ các ứng dụng nước ngoài.

Ông Vũ Đức Long, Trưởng phòng Quản lý Dự báo và Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Theo ông Long, trong thời đại số, việc người dân tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng là điều tất yếu. Tuy nhiên, với lĩnh vực chuyên môn cao như khí tượng thủy văn, cơ quan quản lý về khí tượng thủy văn rất lo lắng trước thực trạng một số cá nhân không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản tự ý livestream, phân tích, dự báo bão lũ dựa trên bản đồ từ các ứng dụng nước ngoài mà không có sự hiểu biết đầy đủ.
Những ngày qua, ngoài việc cập nhật thông tin bão lũ nguồn chính thống, người dân cũng xem được rất nhiều livestream chia sẻ thông tin về bão, những thông tin chưa ai kiểm chứng (dùng bản đồ từ ứng dụng của nước ngoài...) trên nhiều kênh, trang cá nhân dù không có bằng cấp, hiểu biết sâu sắc về bão lũ.
"Việc này không những làm nhiễu loạn thông tin, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an toàn của người dân và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai của các cơ quan chức năng", ông Long nói.
Theo ông Long, các thông tin từ những livestream tự phát, sử dụng bản đồ từ các ứng dụng nước ngoài mà không có khả năng phân tích khoa học thì độ tin cậy là rất thấp, thậm chí có thể sai lệch nghiêm trọng. "Khi người dân tiếp cận những thông tin sai lệch, người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống cần thiết vì cho rằng khu vực mình sẽ không bị ảnh hưởng", ông Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Long cho rằng thông tin sai lệch có thể khiến người dân hoảng loạn, sơ tán tự phát, tích trữ quá mức, gây xáo trộn đời sống xã hội và cản trở công tác điều hành ứng phó của chính quyền địa phương.
Ngoài ra, việc lan truyền thông tin không kiểm chứng cũng làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống thông tin chính thống, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành trong thiên tai, lĩnh vực vốn đòi hỏi sự thống nhất và kỷ luật cao trong thông tin, hành động.
Ông Long đề nghị và khuyến cáo người dân chỉ tiếp nhận và chia sẻ các thông tin về thời tiết, bão lũ từ các nguồn chính thức từ hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các Đài khí tượng thủy văn, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, UBND và cơ quan phòng, chống thiên tai tại địa phương, các đài truyền hình, báo chí chính thống.
Theo ông Long, người dân không nên chia sẻ lại những thông tin từ các kênh cá nhân không có chuyên môn, không rõ nguồn gốc, không được xác minh, đặc biệt là trong thời điểm thiên tai đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, không hành động theo cảm tính hoặc theo lời khuyên từ các nguồn tin không đáng tin cậy. Trong trường hợp có thắc mắc, người dân có thể truy cập trực tiếp trang web hoặc liên hệ với các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia để được tư vấn, hỗ trợ chính xác, theo ông Long.
"Thông tin trong thiên tai là yếu tố sống còn. Chúng tôi kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác với tin giả, tin sai lệch; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm chứng và lan tỏa thông tin đúng đắn, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Long nhấn mạnh.