Cảnh giác với tin nhắn nhận 'lì xì' từ ... ngân hàng
Công an TP Hà Nội thông tin, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng để lừa đảo.
Ngày 14/2, Công an TP Hà Nội thông tin chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao.
Theo đó, trong nội dung các tin nhắn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo (có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng).
Nhiều người cả tin muốn nhận quà “lì xì” nên đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn.
Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân.
Bằng phương thức, thủ đoạn trên, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ Ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.
Các trang Web chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn), các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top)... đều là giả mạo.
Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới Ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng phát đi cảnh báo tới người dùng về việc xuất hiện các tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng gửi nội dung lừa đảo, được phát tán qua thiết bị phát sóng di động (BTS) giả mạo.
Theo đó, nhiều thuê bao di động nhận được các tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng (như TPBank, Sacombank, ACB, Zalopay…) gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Qua xác minh, đánh giá, các tin nhắn mạo danh này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, mà được phát tán thông qua các thiết bị BTS giả mạo. Đây là thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được đối tượng mua bán, sử dụng trái phép, nhằm mục đích phát tán tin rác lừa đảo người dùng.
Để phòng ngừa và phối hợp xử lý, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần kiểm tra, xác minh kỹ website, ứng dụng (app) trong tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.
Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị phản ánh với Cục An toàn thông tin (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia VNCERT) qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn/ để Cục An toàn thông tin kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Đồng thời, người dùng cần thông báo cho cơ quan công an hoặc Cục An toàn thông tin khi phát hiện các đối tượng sử dụng, mua bán, trao đổi các thiết bị phát sóng giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster) qua số đường dây nóng của Cục An toàn thông tin: 0339035656.