Cảnh giác với tội phạm cướp giật
Thời gian gần đây, những vụ cướp giật, trộm cắp tài sản trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho tài sản của bản thân và gia đình, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, người dân, cơ quan, đơn vị cũng cần phải chủ động đề phòng, nâng cao cảnh giác.
Diễn biến phức tạp
Mặt trái của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, kinh tế của người dân, đẩy nhiều người vào tình cảnh mất công ăn việc làm, tạo điều kiện nảy sinh tội phạm trong xã hội. Bên cạnh những hành vi trốn cách ly, vận chuyển người trái phép, trục lợi từ đầu cơ trang thiết bị y tế, khẩu trang, tội phạm lừa đảo, cướp giật cũng gia tăng ở hầu hết các địa phương. Tại Hà Nội, tình trạng cướp giật tài sản cũng đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp với số vụ gia tăng, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần.
Mới đây nhất, ngày 30/9, Công an huyện Thanh Oai cùng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) vừa triệt phá thành công ổ nhóm cướp tài sản tại khu vực đường Cienco 5. Theo cơ quan điều tra, trước đó trên tuyến đường Cienco 5 thuộc địa bàn xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) liên tục xảy ra các vụ cướp tài sản. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ đi chợ vào buổi sáng sớm. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, truy bắt các đối tượng. Đến 2h ngày 27/9/2020, lực lượng Công an đã bắt giữ Nguyễn Viết Đông (sinh năm 2000, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi đối tượng này đang chuẩn bị thực hiện hành vi cướp tài sản tại khu vực trên.Cùng ngày, 2 đối tượng còn lại trong vụ cướp này là Nguyễn Quý Hòa (sinh năm 2001) và Đặng Đình Dũng (sinh năm 2002), đều ở huyện Chương Mỹ đã đến Công an huyện Thanh Oai đầu thú. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện 5 vụ cướp tài sản trên tuyến đường Cienco 5.
Trước đó, ngày 26/5, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Nam Từ Liêm cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Phạm Anh Dũng (sinh năm 2003, trú tại tỉnh Phú Thọ) để điều tra hành vi “Cướp giật tài sản”.Theo lời khai của Dũng, từ tháng 2/2020 đến khi bị bắt, đối tượng đã gây ra 21 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Dũng cũng cho biết trước khi gây án đối tượng thường mặc áo của hãng Grab và dùng khẩu trang che biển kiểm soát xe máy để tránh bị phát hiện. Dũng thường rình ở những đoạn đường vắng người, thực hiện hành vi cướp giật túi xách, ví, điện thoại... Nạn nhân mà gã nhắm đến chủ yếu là phụ nữ.
Bên cạnh cướp giật, nạn trộm cắp tài sản cũng là nỗi lo của nhiều người dân. Đơn cử như ngày 2/7 Công an quận Nam Từ Liêm đã liên tiếp triệt phá 2 ổ nhóm trộm cắp xe máy qua đó bắt giữ 5 đối tượng.Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, do cần tiền tiêu xài nên đã lên kế hoạch trộm cắp xe máy. Các đối tượng thường chọn các khu trọ đông người, mất cảnh giác, không khóa cửa để trộm cắp tài sản. Các đối tượng này đã liên tiếp thực hàng chục vụ trộm cắp xe máy rồi bán lại cho người khác
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Theo Trung tá Ninh Bá Đô, cán bộ Phòng cảnh sát Hình sự (Công an thành phố Hà Nội), Tội phạm cướp và cướp giật tài sản thường lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân để hoạt động vào nhiều thời gian địa điểm khác nhau, song chúng thường tập trung vào khi trời tối, địa bàn vắng người qua lại. Phương thức hoạt động của tội phạm dạng này cũng rất tinh vi, táo tợn và manh động, nhiều đối tượng mang theo hung khí để chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ tài sản cá nhân còn nhiều hạn chế. Hầu hết nạn nhân trong các vụ cướp, cướp giật tài sản đều là phụ nữ, khi tham gia giao thông thường đeo túi xách trên vai hoặc để ở phía trước xe máy, hoặc sử dụng điện thoại, đeo các loại trang sức có giá trị.
Đặc biệt các đối tượng thường lang thang trên các tuyến đường vắng người đi lại ở các quận nội thành, các tuyến đường đê, các trục đường không có đèn chiếu sáng, không có camera theo dõi hoặc các tuyến đường trong khu công nghiệp tại các huyện ngoại thành. Bị hại thường là những người lao động đi chợ vào thời gian sáng sớm, công nhân đi làm việc, tan làm vào thời gian tối muộn...
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ mà Cơ quan công an triển khai đồng bộ, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan và phải có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản. Khi tham gia giao thông trên đường, mọi người dân cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu, nếu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo, hay có biểu hiện cố tình va chạm giao thông, cần phải đi sát vào lề đường hoặc dừng hẳn ở chỗ có nhiều người qua lại; không nên cho người lạ, không quen biết đi nhờ xe; cảnh giác khi có người đi sát hoặc khi dừng đèn đỏ; cần chú ý khi rút tiền ở ngân hàng và điểm ATM, nên có người đi cùng và quan sát xung quanh trước khi rời khỏi các địa điểm này, để nhận diện, phát hiện kẻ gian có thể đeo bám chờ cơ hội ra tay cướp giật tài sản.
Để ngăn chặn, trấn áp loại tội phạm này, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, kịp thời phân tích, đánh giá những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Đồng thời, chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản trong đó có quản lý lưu trú, tiến hành tổng rà soát toàn bộ số đối tượng tỉnh ngoài, ổ nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động, đặc biệt số đối tượng tù tha, có dấu hiệu hoạt động tội phạm để theo dõi, quản lý phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ mà Cơ quan công an triển khai đồng bộ, theo Trung tá Ninh Bá Đô người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan và phải có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản. Khi tham gia giao thông trên đường, mọi người dân cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu, nếu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo, hay có biểu hiện cố tình va chạm giao thông, cần phải đi sát vào lề đường hoặc dừng hẳn ở chỗ có nhiều người qua lại; không nên cho người lạ, không quen biết đi nhờ xe; cảnh giác khi có người đi sát hoặc khi dừng đèn đỏ; cần chú ý khi rút tiền ở ngân hàng và điểm ATM, nên có người đi cùng và quan sát xung quanh trước khi rời khỏi các địa điểm này, để nhận diện, phát hiện kẻ gian có thể đeo bám chờ cơ hội ra tay cướp giật tài sản.
Khi xảy ra vụ án, bị hại phải tri hô, đồng thời ghi nhớ nhận dạng đối tượng, loại phương tiện sử dụng gây án, biển số xe và trình báo ngay Cơ quan công an nơi gần nhất. “Việc trình báo sớm, chi tiết đặc điểm, diễn biến vụ việc là điều kiện quan trọng để lực lượng Công an điều tra, bắt giữ đối tượng phạm tội”, Trung tá Đô nhấn mạnh./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/canh-giac-voi-toi-pham-cuop-giat-113969.html