Cảnh giác với trò lừa đảo trên mạng

Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin là những trò lừa đảo trên mạng ngày càng phổ biến và nâng cấp. Hình thức đa dạng, chuyên nghiệp, biến hóa không ngừng đã khiến nhiều người sập bẫy, ngậm đắng mà không biết kêu ai. Nổi cộm nhất trong vấn đề lừa đảo qua mạng là chương trình tuyển cộng tác viên online.

Hãy là một cư dân mạng thông minh để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Hãy là một cư dân mạng thông minh để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Mặc dù đã được cảnh báo, song nhiều người vẫn mất tiền oan vì nhẹ dạ. Dưới mác công ty truyền thông, marketing, quảng cáo… các "công ty ma” đăng tải thông tin tuyển dụng ngon ngọt với mức lương hấp dẫn và không hề nhắc tới khoản “phí phụ thu” nào.

Để củng cố độ tin tưởng, các "công ty ma" cố tạo ra lớp vỏ chuyên nghiệp bằng “chiêu nói cứng” như: Ứng viên phải đăng ký trên mạng mới được phỏng vấn, mang theo chứng minh nhân dân, không có giấy tờ tùy thân không được nhận…

Kết thúc buổi phỏng vấn, ứng viên được yêu cầu nộp từ 200.000 - 600.000 đồng để “duy trì tài khoản”. Nhiều người đến khi được nhận “làm việc” mới té ngửa khi biết công việc của mình là đăng tin nhảm nhí và chắc chắn sẽ không thu được bất kỳ khoản tiền nào từ “đống hỗn tạp” này.

Đánh vào “lòng tham”, một số thành phần đã sử dụng mồi nhử tặng áo đôi, đồng hồ, vé du lịch… để quảng bá thương hiệu cho trang wed song thực tế không có bất kỳ phần quà nào đến tay cư dân mạng. Hoặc màn hướng dẫn hack tài khoản điện thoại chỉ là màn ảo thuật để kẻ lừa đảo hưởng lợi.

Một hình thức lừa đảo có “thâm niên” là các tin nhắn trên điện thoại có cú pháp: “Bạn vừa nhận được bài hát XXX từ một người YYY gửi tặng, hãy bấm vào số ZZZ để nghe và cảm nhận bài hát”. Chỉ cần làm theo hướng dẫn, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị trừ “vô tội vạ” và số tiền trên nằm trong túi chủ nhân của số sim rác vừa nhắn tin đến.

Trơ trẻn hơn, một số người còn sử dụng sim rác nhắn tin tương tự tổng đài: “Bạn vừa nhận được số tiền XXX do số thuê bao YYY gửi tặng…”. Chưa đầy 5 phút, số thuê bao vừa nhắn lập tức giở giọng năn nỉ: “Xin lỗi chị, em bắn nhầm tiền. Chị có thể cho em xin lại số tiền em vừa bắn nhầm được không?”. Đây là một chiêu mới nổi, nếu không kịp thời để ý sẽ có rất nhiều người trở thành nạn nhân.

Tình hình lừa đảo qua mạng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Hãy là một cư dân mạng thông minh để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

NGUYÊN MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202011/canh-giac-voi-tro-lua-dao-tren-mang-912949/