Cảnh giác với vũ khí tự động

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng công nghệ này cũng đang đặt ra nhiều quan ngại trong lĩnh vực quân sự khi phát triển thành vũ khí tự động. Nhằm ngăn chặn những hậu quả tiêu cực, Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) đã lên tiếng cảnh báo.

Nguy cơ leo thang bạo lực

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch ICRC Mirjana Spoljaric, việc giải quyết vấn đề sử dụng vũ khí tự động, còn gọi là robot sát thủ, cần là một trong những “ưu tiên nhân đạo” trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo trên thế giới nên khởi động các cuộc đàm phán về một công cụ ràng buộc pháp lý mới nhằm đặt ra các lệnh cấm và hạn chế rõ ràng đối với các hệ thống vũ khí tự động, tiến tới hoàn tất các cuộc đàm phán vào năm 2026.

Vũ khí tự động được quân đội Mỹ phát triển

Vũ khí tự động được quân đội Mỹ phát triển

Liên hợp quốc và ICRC cho rằng, vũ khí tự động được sử dụng không có sự kiểm soát của con người, đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về nhân đạo, pháp lý, đạo đức và an ninh. Việc phát triển và sử dụng những vũ khí này có nguy cơ làm leo thang bạo lực và gây bất ổn trên toàn cầu. Mối lo ngại liên quan đến vũ khí tự động càng trở nên nghiêm trọng khi các công nghệ mới như AI có thể được tích hợp vào vũ khí tự động, khiến loại vũ khí này trở nên ngày càng phổ biến và hiện đại hơn.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh một số cuộc thảo luận về vũ khí tự động đã diễn ra trong những năm gần đây, nhưng kết quả vẫn chưa dẫn tới việc tổ chức các cuộc đàm phán nghiêm túc về vấn đề này.

Chưa có giám sát

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang đầu tư lớn cho việc phát triển các vũ khí tự động hoạt động trên không, trên biển và trên bộ, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Anh... Hệ thống vũ khí tự động này được thử nghiệm với tốc độ nhanh chóng mà chưa có sự giám sát chặt chẽ. Một số nguyên mẫu thậm chí đã được sử dụng trong các cuộc xung đột thực tế. Có thể kể đến các loại vũ khí như súng đối không tự động, máy bay không người lái hay các loại robot chiến đấu tự động trên bộ và trên biển.

Robot chiến trường từng được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Loại robot này có thể xác định, tìm và diệt mục tiêu mà không cần có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, robot chiến trường cũng có mặt trái của nó, ví như đối phương hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ tấn công mạng hoặc kết nối để chiếm quyền điều khiển robot. Điều này có thể khiến nhân loại đối mặt với thảm họa lớn. Bên cạnh đó, những loại vũ khí tự hành, như thiết bị bay không người lái và các hệ thống hoặc tên lửa dẫn đường tiên tiến cũng có lúc tác chiến sai lầm.

Việc phát triển các loại vũ khí tự động liệu có dẫn đến một cuộc chạy đua trên toàn cầu là vấn đề khiến một số quốc gia lo ngại. Không như vũ khí hạt nhân, nguồn lực để tạo ra robot sát thủ sẽ ngày càng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Thật sự lo ngại khi ngày nay người ta có thể mua trên mạng một máy bay không người lái, điện thoại thông minh, phần mềm điều khiển và cả súng ống, tất cả những gì cần thiết nhằm tạo ra một cỗ máy giết người điều khiển từ xa.

THANH HẰNG tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/canh-giac-voi-vu-khi-tu-dong-post708881.html