Cảnh hoang tàn tại làng thanh niên lập nghiệp ở Thanh Hóa

Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng ở Thanh Hóa là miền đất của thanh niên đi xây dựng cuộc sống mới, tuy nhiên sau 16 năm giờ đây là cảnh hoang tàn.

Giữa cái nắng thiêu đốt ở đại ngàn miền Tây xứ Thanh, người đàn ông gầy gò – Lương Văn Tiến (46 tuổi) ngồi hút thuốc lào, ánh mắt trầm buồn hướng ra con ngõ nơi từng có 15 hộ dân sinh sống, nay chỉ còn vỏn vẹn một gia đình bám trụ lại ở vùng đất này.

15 hộ chỉ còn 1 hộ bám trụ

 Những ngôi nhà bỏ hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Những ngôi nhà bỏ hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Năm 2008, anh Tiến là một trong số 107 đoàn viên, thanh niên cùng với 34 hộ là công nhân lâm trường sông Chàng thuộc diện tái định cư tại chỗ với quyết tâm biến vùng đất mệnh danh là “chảo lửa” của Như Xuân thành vùng kinh tế phát triển.

Đó chính là mục tiêu của Dự án làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) sông Chàng được Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai năm 2008, trên địa bàn xã Xuân Hòa (Như Xuân) với diện tích 600ha với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỉ đồng.

Thời điểm đó, anh Tiến cũng như nhiều gia đình khác được cấp 400m² đất ở tái định cư và khoảng 3ha đất để canh tác và cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.

 Những ngôi nhà từng là nơi ấp ủ, nhiệt huyết của tuổi trẻ đến vùng đất Xuân Hòa, huyện Như Xuân lập nghiệp, xây dựng cuộc sống. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Những ngôi nhà từng là nơi ấp ủ, nhiệt huyết của tuổi trẻ đến vùng đất Xuân Hòa, huyện Như Xuân lập nghiệp, xây dựng cuộc sống. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Anh Tiến nhớ lại những ngày đầu tiên ở vùng đất mới là khung cảnh nhộn nhịp, người xây dựng nhà, người khai hoang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp… không ai nghĩ rằng, sau gần ấy năm, giờ đây ở làng TTNLN lại trở nên hoang tàn, vắng bóng người qua lại.

“Đau xót nhất khi cả con ngõ có 15 hộ dân là thanh niên, đoàn viên sinh sống “tối lửa, tắt đèn có nhau”, giờ đây chỉ còn lại gia đình tôi sinh sống. Những ngôi nhà hoang xuống cấp, xập xệ, dột nát là những gì mà mỗi ngày tôi đang chứng kiến", anh Tiến bùi ngùi.

 Lên làng thanh niên lập nghiệp khi mới 30 tuổi, đến nay đã 16 năm trôi qua anh Nguyễn Văn Tiến vẫn chưa nhận được sổ đỏ để an cư lập nghiệp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Lên làng thanh niên lập nghiệp khi mới 30 tuổi, đến nay đã 16 năm trôi qua anh Nguyễn Văn Tiến vẫn chưa nhận được sổ đỏ để an cư lập nghiệp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Anh bảo, không chỉ ngõ B – nơi gia đình anh đang sinh sống, mà ngõ D kế bên với những ngôi nhà cạnh nhau trên con đường bê tông trải dài hàng trăm mét, giờ không còn một hộ dân nào sinh sống. Những ngôi nhà ấy từng là nơi trở về, nơi ấp ủ bao hoài bão của thanh niên một thời không ngờ lại xác xơ, tiêu điều như vậy.

"Thanh niên “dứt áo” rời làng có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là thời tiết khắc nghiệt nên nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp chậm lớn, năng suất hiệu quả không như kỳ vọng", anh Tiến nói.

 Những ngôi nhà ở ngõ D, cụm 2 nằm lọt thỏm giữa núi rừng Xuân Hòa giờ đã không còn ai sinh sống. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Những ngôi nhà ở ngõ D, cụm 2 nằm lọt thỏm giữa núi rừng Xuân Hòa giờ đã không còn ai sinh sống. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Chưa hết, đối với nhiều thanh niên ở làng, khó nhất là không có vốn để đầu tư, tái sản xuất do khó vay vốn được ngân hàng. Nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện chỉ để làm công trình nước sạch.

"Chúng tôi đến nơi này 16 năm, nhưng đến nay các hộ dân trong làng thanh niên lập nghiệp vẫn chưa có sổ đỏ, nhiều người dân sinh sống dần “dứt áo” rời làng đi tìm vùng đất mới để phát triển kinh tế.

Thu nhập gia đình tôi mỗi năm chỉ khoảng 30 triệu đồng từ trồng keo, cây ăn quả và vợ đi làm công nhân. Đây cũng là lý do mà vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ cố gắng bám trụ lại ở làng”, anh Tiến tâm sự.

 Trong số nhiều nhà ở làng thanh niên lập nghiệp, có những căn nhà được xây dựng kiên cố, song cuối cùng lại bỏ hoang. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Trong số nhiều nhà ở làng thanh niên lập nghiệp, có những căn nhà được xây dựng kiên cố, song cuối cùng lại bỏ hoang. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

 Đây là những gì còn sót lại của một ngôi nhà ở làng thanh niên lập nghiệp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Đây là những gì còn sót lại của một ngôi nhà ở làng thanh niên lập nghiệp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

51 hộ chưa có hộ khẩu ở làng thanh niên

Đến Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng đâu đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, nhà xuống cấp, cây cối mọc um tùm trên những ngôi nhà vắng bóng thanh niên – nơi một thời từng là niềm hy vọng, mơ ước của hàng chục thanh niên hăng hái, nhiệt huyết xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp.

 Ông Lê Văn Tuyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa thừa nhận trên địa bàn có nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang từ nhiều năm trước. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Lê Văn Tuyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa thừa nhận trên địa bàn có nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang từ nhiều năm trước. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nói về làng thanh niên lập nghiệp “dứt áo” rời làng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa ông Lê Văn Tuyên lý giải, hình ảnh những ngôi nhà bỏ hoang không hiếm thấy nơi này, một phần đi làm ăn xa, một số chỉ về làng theo thời vụ để thu hoạch, làm vườn.

 Theo nhiều người dân địa phương, thì những ngôi nhà bỏ hoang đã không còn xa lạ với họ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo nhiều người dân địa phương, thì những ngôi nhà bỏ hoang đã không còn xa lạ với họ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Ban đầu làng thanh niên có 141 hộ, trong đó có 107 hộ là thanh niên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, số còn lại 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ. Sau nhiều năm thành lập làng, nhưng các hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ, điều này khiến người dân gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, năm 2021 khi làm căn cước công dân gắn chíp điện tử và làm hộ khẩu VNeID chỉ có 90 hộ, trong đó 67 hộ thường xuyên ở địa phương, 23 hộ không thường xuyên sống ở làng, có 51 hộ chưa có hộ khẩu VNeID tại địa phương.

 Ít ai ngờ được rằng, sau 16 năm Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng có nhiều ngôi nhà bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ít ai ngờ được rằng, sau 16 năm Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng có nhiều ngôi nhà bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nói về những tồn tại, ông Nguyễn Đình Nhất, Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn Thanh Hóa, kiêm Tổng Đội trưởng thanh niên xung phong phát triển kinh tế - Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng, cho rằng: Nhiều hộ hiện nay không có mặt tại địa phương, vừa qua, khi triển khai làm căn cước công dân chỉ 90 hộ thực hiện, 51 hộ vẫn chưa làm.

Vì sao chưa cấp sổ đỏ các hộ dân sinh sống ở làng thanh niên?Ông Nhất giải thích, tỉnh đã có chủ trương bàn giao đất của làng thanh niên về cho huyện Như Xuân quản lý, đồng thời cũng đang hoàn thiện các hồ sơ trình Sở TN-MT tỉnh để cấp sổ đỏ cho người dân.

 Nguyễn Đình Nhất Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn Thanh Hóa khẳng định sẽ sớm thu hồi nhà đất khi người dân không còn sinh sống tại làng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nguyễn Đình Nhất Trưởng Ban phong trào Tỉnh đoàn Thanh Hóa khẳng định sẽ sớm thu hồi nhà đất khi người dân không còn sinh sống tại làng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

“Đối với những trường hợp hiện không sinh sống ở làng, chúng tôi sẽ sớm có tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa thu hồi đất khi người dân không còn sinh sống ở làng, đồng thời đề xuất các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới”, ông Nhất khẳng định.

Bài&ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-hoang-tan-tai-lang-thanh-nien-lap-nghiep-o-thanh-hoa-post805062.html