Canh khổ qua cho qua ngày khổ

Nội cầm trái khổ qua than thở: 'Cứ tưởng đập khổ qua cho qua khổ, ai dè để khổ qua lại trong nhà. Năm nay xui rồi'.

Khoảng đất nhỏ trước sân, ba kê chiếc bàn gỗ uống trà. Chiếc bàn kiểu cũ ngày xưa ông nội tự đóng, mấy chục năm ròng mà chẳng hư hao. Ờ, thì đồ cũ, nên gỗ cũng đượm màu thời gian. Ba lấy sơn phết lên, vậy là bàn cũ khoác áo mới. Mấy chiếc ghế cũng được phủ lên những màu chói lọi. Bộ bàn cũ thành ra rực rỡ trước khoảng sân rợp bóng cây.

Mùa này nhiều nắng, ít mưa, và chỉ se lạnh lúc ban mai. Ba hay ngồi nơi bàn nhỏ trước sân uống trà. Nắng xuyên qua hàng dừa, nhảy nhót trên mấy chiếc ghế như đang khiêu vũ.

Ngày trước, ở vị trí này là giàn khổ qua xanh mướt. Đầu đông, bà nội gieo xuống mấy hạt khổ qua để dành từ mùa trước. Dăm ba hôm, mấy hạt khổ qua khô khốc đã đội đất mà lên. Mưa, gió và cả cái lạnh của đất miền Trung vẫn không khiến dây khổ qua chùn bước. Chẳng mấy chốc mà phủ xanh cả giàn rồi ra hoa, kết trái.

Cái hành trình ấy nhanh lắm. Chỉ kéo dài từ đông sang xuân rồi khép lại. Cây héo tàn, giàn trơ trụi. Nội lại tẩn mẩn chuẩn bị cho mùa khổ qua mới. Mỗi lần gieo hạt, nội hay nói: "Trồng cây khổ qua cho qua ngày khổ". Mình chẳng biết có "qua khổ" thật không, nhưng mình thấy rất "khổ" khi cứ phải nhìn tô canh khổ qua xanh mướt trên mâm cơm mỗi ngày.

Cái vị đăng đắng, nhân nhẩn của khổ qua mình chẳng ưa được. Nhưng đó là ngày nhỏ thôi. Chứ lớn thêm chút nữa, cái vị khổ qua ấy chỉ gây thêm thương nhớ cho những tháng năm xa nhà.

Cái vị đăng đắng, nhân nhẩn của khổ qua mình chẳng ưa được. Nhưng đó là ngày nhỏ thôi. Chứ lớn thêm chút nữa, cái vị khổ qua ấy chỉ gây thêm thương nhớ cho những tháng năm xa nhà.

Mình thích món khổ qua nhồi thịt của nội ghê gớm. Món này nội làm ngon vô cùng. Nội hay băm thịt nạc với chút mỡ heo beo béo. Thịt băm nhỏ thì cho hành khô băm nhỏ, tiêu, muối, bột ngọt vào trộn đều, ướp cho thấm. Bún tàu sau khi ngâm nước thì cắt nhỏ. Nấm mèo trụng sơ nước sôi, rửa sạch rồi cũng cắt nhỏ, sau đó cho nấm và bún tàu vào tô thịt trộn đều. Vậy là có nhân để nhồi khổ qua. Nồi khổ qua nhồi thịt của nội ít đắng.

Không phải cái vị ngọt của thịt thăn, nấm mèo ngấm sâu vào khổ qua, hòa tan cái vị đắng ấy, mà vì nội có bí quyết riêng. Trái khổ qua được nội cắt bỏ hai đầu, rồi móc sạch ruột. Cái lớp trăng trắng bên trong ruột, nội nói đó là kẻ gây ra vị đắng của khổ qua, nên lúc nào nội cũng cẩn thận dùng muỗng cạo sạch. Thịt được nhồi vào ruột khổ qua, hầm trên lửa liu riu cho đến khi khổ qua mềm là được.

Ai ghét ăn đắng, trước khi nhồi thịt, trụng sơ khổ qua vào nước nóng, rồi ngâm sơ trong nước đá lạnh, khi hầm, khổ qua chỉ còn đắng… sơ sơ. Nhưng nội bảo, khổ qua đặc biệt là nhờ cái vị đắng của nó. Hết đắng đâu có ngon. Nên khi nấu, nội luôn giữ cái đắng vừa đủ của khổ qua, để người ghiền ăn đắng mà người không ưa đắng nhiều, đều thấy cái vị khổ qua vừa tới. Vậy mới ngon.

Năm nào trong mâm cơm chiều 30 Tết, nội cũng nấu một nồi canh khổ qua. Nội còn chuẩn bị một trái khổ qua để sẵn trên bàn để đón giao thừa. Đồng hồ điểm 12g đêm, nội mang trái khổ qua ra trước sân, đập bôm bốp xuống nền gạch rồi hô lớn: "Khổ qua nè, khổ qua nè…". Nội nói, làm vậy năm mới sẽ hết khổ.

Mình nhớ có năm, mưa gió dữ dội, trời rét căm căm. Đêm đó cả nhà đều đi ngủ sớm, chẳng ai thức nổi để đón giao thừa. Nội cũng quên mất. Đến khi nội sực tỉnh thì đã qua thời khắc giao thừa. Nội cầm trái khổ qua than thở: "Cứ tưởng đập khổ qua cho qua khổ, ai dè để khổ qua lại trong nhà. Năm nay xui rồi". Mình an ủi nội, giờ đập vẫn kịp nội ơi. Vậy là nội hăm hở bước ra sân, chỉ cần một phát, nội đã đập trái khổ qua nát bấy.

Mình nhớ có năm, mưa gió dữ dội, trời rét căm căm. Đêm đó cả nhà đều đi ngủ sớm, chẳng ai thức nổi để đón giao thừa. Nội cũng quên mất. Đến khi nội sực tỉnh thì đã qua thời khắc giao thừa. Nội cầm trái khổ qua than thở: "Cứ tưởng đập khổ qua cho qua khổ, ai dè để khổ qua lại trong nhà. Năm nay xui rồi". Mình an ủi nội, giờ đập vẫn kịp nội ơi. Vậy là nội hăm hở bước ra sân, chỉ cần một phát, nội đã đập trái khổ qua nát bấy.

Cái câu: "Khổ qua nè. Khổ qua nè" hôm đó, hình như nội nói to lắm, to hơn những năm trước nhiều. Nhìn nội đập khổ qua, mình nghĩ bụng, năm nào cũng đập khổ qua cho qua khổ, mà có bao giờ thấy qua khổ đâu. Nội mà nghe được tiếng lòng mình, chắc la chết.

Sau ngày nội mất, cái giàn khổ qua trước sân vẫn giữ nguyên mấy mùa liền, nhưng chẳng mùa nào ba gieo được hạt. Có năm nhìn mấy dây khổ qua lèo tèo leo lên giàn tre vàng đã ra xanh lá, mình mừng ghê lắm. Vậy mà mưa xuống, rồi nắng lên, cứ vài ba bận, mấy cây khổ qua non tuổi cũng theo nhau về trời. Mùa sau nữa, giàn tre bị dỡ mất. Ba thay vào đó là bộ bàn ghế gỗ, mỗi sớm cả nhà xúm xít uống trà.

Bữa cơm ngày 30 Tết cúng ông bà, mẹ thay nội vẫn giữ nguyên nếp cũ, mâm cơm luôn có tô khổ qua nhồi thịt xanh rờn. Chỉ có đêm giao thừa, vắng hẳn dáng nội đứng trước sân, khòm lưng đập khổ qua. Nhiều đêm sau này, trong giấc ngủ chập chờn, mình dường như vẫn nghe tiếng nội đập khổ qua bôm bốp trên sân, miệng nói liên tục: "Khổ qua nè, khổ qua nè". Nhưng nội đã không còn. Như giàn khổ qua trước sân, sẽ chẳng bao giờ phủ xanh nữa.

Theo Lê Ngọc Hà (phunuonline.com.vn)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/canh-kho-qua-cho-qua-ngay-kho-20200328170002538.htm