Canh lửa mùa khô ở Vườn quốc gia U Minh hạ
Mùa này, những người đảm trách 'canh lửa' mùa khô như anh Năm Dũng (Lê Thanh Dũng), anh Hai Kháng (Ngô Văn Kháng) dễ bị mất ngủ. Một cuộc gọi từ bộ đàm, điện thoại, hoặc một tiếng chuông báo nhỡ giữa khuya cũng làm các anh thức giấc rồi thao thức cả đêm…

Lực lượng chức năng Cà Mau thường xuyên diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trưa những ngày cuối tháng 3, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh hạ Lê Thanh Dũng về lại trụ sở chính sau chuyến đi rừng để kiểm tra các trạm, chốt canh lửa mùa khô. Anh uống một hơi gần hết cốc trà đá to để vơi đi cơn khát bởi cái nắng hầm hập đang bủa vây ngoài trời.
Ám ảnh cháy rừng
Đôi mắt thâm quầng, Năm Dũng buông giọng nửa đùa, nửa thật: “Ngày trước, địch càn quét đến bìa rừng Vồ Dơi (một địa danh trên lâm phần U Minh hạ) là không dám luồn vào sâu, vì sợ cọp ăn thịt. Còn ngày nay, những người như chúng tôi sợ cháy rừng hơn sợ cọp”. Hơn 35 năm công tác trong ngành kiểm lâm, trong đó 25 năm tại Vườn quốc gia U Minh hạ, anh Năm Dũng được xem là bậc lão làng giàu kinh nghiệm canh lửa mùa khô.
Từ năm 2002 đến nay, anh đã tham gia (trực tiếp hoặc trong vai trò chỉ huy) chữa hơn chục vụ cháy lớn, nhỏ tại U Minh hạ. Vụ khó quên nhất với anh là vào mùa khô năm 2002. Khi đó, người đồng nghiệp là Ngô Văn Kháng (hiện là Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia U Minh hạ) mới tập tễnh vào nghề, còn trực ở chốt 27-96 nằm sâu trong ruột rừng vào những tháng khô hạn.
Mùa khô tháng 4/2002, cháy lớn từ rừng tràm bên tỉnh Kiên Giang lan xuống phía rừng tràm U Minh hạ. Tỉnh Cà Mau thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo chữa cháy, huy động khá đông lực lượng, cả chi viện từ Quân khu 9 và nhiều tỉnh, thành phố từ Bình Thuận trở vào.
Năm Dũng “chạy vòng ngoài” vận chuyển thiết bị, lo hậu cần. Còn Hai Kháng nắm một trong các nhóm trực tiếp dập lửa. “Thời đó thiếu thốn thiết bị, vận chuyển chủ yếu bằng xuồng, nhưng kênh, rạch… khá ít, lại thiếu nước chữa cháy, nên cháy lớn. Có khi đang cắt lửa thì trên gió “bắn bổng” tổ chim ngang đầu, khiến lửa vây đằng sau, “tứ bề thọ địch”, phải bỏ chạy thục mạng”, anh Hai Kháng góp chuyện.
Trong một tuần, lực lượng chữa cháy tại Cà Mau được lệnh phát quang, san gạt đất đen, làm gấp con lộ đất dài khoảng 20 km từ Tắc Thủ đến tận tuyến T93. Nhờ khai thông được tuyến đường vận chuyển thô sơ trên bộ ấy mà phòng tuyến cố thủ cuối cùng đã bảo vệ thành công hàng nghìn héc-ta rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia U Minh hạ không bị thiêu rụi. “Đám cháy chỉ tắt hẳn gần 2 tháng sau đó, một phần cũng nhờ do đã tới mùa mưa”, anh Năm Dũng thuật lại.
Sau lần thoát nạn ấy, lâm phần Vườn quốc gia U Minh hạ lại gặp họa vào mùa khô 2015-2016. Chiều 27/4/2016, trong cơn mưa trái mùa, sấm chớp lóe sáng cả bầu trời kèm theo nhiều tiếng nổ lớn, khu vực chỉ huy của Vườn quốc gia U Minh hạ nhận tin báo khẩn từ lực lượng canh lửa: Sét đánh gây cháy.
Khoảng 30 phút từ thời điểm nhận tin dữ, gần chục tổ máy và hàng trăm người thuộc lực lượng tại chỗ tiếp cận hiện trường, chia nhau dập lửa. Nhưng mãi đến khuya cùng ngày, lực lượng chuyên trách của vườn mới cắt hết được các mũi cháy, tiến hành dập lan và hai ngày sau mới dập hết cháy ngún (cháy âm ở lớp than bùn sâu dưới thảm thực vật bề mặt).
Ở lần này, anh Năm Dũng “thủ” phương án chữa cháy đến lần thứ 3. Bởi khu vực cháy nhiều thực bì, sâu phía dưới là lớp than bùn. Anh lý giải: “Nó cháy lướt trên mặt lần đầu, lửa sẽ ngún xuống lớp thực bì cháy thêm lần thứ 2, gọi là cháy ngầm. Khi chữa xong lần hai này thì lửa rớt xuống lớp đất than bùn sâu phía dưới, cháy âm ỉ lần thứ 3. Chỉ dập ngún hết lần 3, nó mới hết cháy”.
Lần cháy nêu trên, phóng viên tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Cà Mau vào hiện trường vào sáng sớm 28/4/2016. Khi ấy, lực lượng chữa cháy đang triển khai xuyên đêm, mệt nhoài, khói dưới đất xông lên lơ lửng trên những đọt tràm bị nám đen. Chúng tôi thấy anh Hai Kháng, đầu tóc bụi bặm dựng đứng như rễ tre, mặt mũi tèm nhem, đang cặm cụi cắn mỳ gói sống, uống nước cầm hơi…!
Phòng là chính, để cháy vất vả lắm
Đại ngàn U Minh hạ đâu đâu cũng cây rừng, chủ yếu là tràm và keo lai. Mỗi mùa khô đi qua an toàn, người dân mừng như trúng đậm mùa lúa. Bởi, cháy rừng rất nguy hiểm và vất vả. Ngay cả thanh niên như Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1995, công tác tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh hạ), cơ thể cường tráng, nhưng vẫn cảm thấy đuối sức, hụt hơi… sau mỗi lần tham gia chữa cháy.
Lần chữa cháy gần đây của Ngọc là vào trưa 10/4/2024. Đang trực tại Chốt 31-Lộ Xe (Ấp 12, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) thì nhận lệnh khẩn sang chi viện bên Nông trường 402 - khu đất thuộc quản lý của Quân khu 9, Ngọc cùng 2 đồng đội nhanh chóng chuyển thiết bị lên xe. Đến nơi gần 3 giờ chiều, tổ máy bơm của Ngọc được điều động xuống cắt mũi cháy gần tuyến kênh Thầy Chùa, mãi đến khuya mới xong nhưng phải trực canh tận sáng để ngăn cháy ngún. “Buổi sáng 11/4, tụi em được nghỉ ngơi một chút thì tham gia dập cháy ngún, đến tận xế chiều mới cho rút quân, mệt dữ lắm”, Ngọc cho biết.
Vụ cháy tại Nông trường 402 dừng lại ở mức thiệt hại khoảng 40 ha tràm tái sinh, nhờ số đông được chi viện kịp thời. Tham gia lần ấy có 2 tổ máy bơm được tăng cường từ Vườn quốc gia U Minh hạ, do anh Năm Dũng chỉ huy, anh Hai Kháng tham gia trực tiếp. Sau khoảng 20 phút nhận được lệnh từ lãnh đạo tỉnh, lực lượng của vườn có mặt tại hiện trường khoảng 13 giờ 20 phút ngày 10/4/2024. Lúc này, khói, lửa đã mù trời.
Bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, anh Năm Dũng xác định mũi cháy lớn, yêu cầu 2 tổ máy nhanh chóng tiếp cận nguồn nước, khống chế không để cháy lan gây nguy hiểm khu vực dân cư sinh sống tại ấp Cơi 6B của xã Khánh Bình Tây. Tầm 20 giờ, lửa tắt vòng ngoài, anh Năm Dũng mạo hiểm luồn sâu vào ruột rừng để tìm cách trị tận gốc. “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, ban đêm mức độ và cường độ cháy giảm rất nhiều, nên tôi đi bộ vô đám cháy còn đang tiếp tục phía trong, tìm được con kênh có nước cách đám cháy khoảng 200m để kéo ống cho gần, dập cho nhanh. Không vào hang cọp thì sao bắt được cọp con?”, anh Năm Dũng buông giọng chắc lẹm.

Lực lượng canh lửa mùa khô Vườn quốc gia U Minh hạ ứng trực trên tháp canh cả ngày giữa tiết trời oi bức.
Ở vùng đất Cà Mau, diện tích rừng có nguy cơ khô hạn và cháy cao khoảng hơn 45.000 ha, tập trung chủ yếu tại 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Sau đợt cháy lịch sử vào năm 2002, chính quyền và ngành chức năng cho xẻ kênh, mương… nhiều hơn để trữ nước, đồng thời làm đường băng cản lửa tự nhiên. Trên cao nhìn xuống, ruột rừng giờ đây như bàn cờ, mỗi ô tầm 1 km2. Như vậy, kể cả trong tình huống xấu nhất, thiệt hại của một vụ cháy cũng chỉ giới hạn một ô như vậy.
Những năm gần đây, Cà Mau ít khi xảy ra cháy gây thiệt hại lớn, nhất là từ sau vụ cháy năm 2016 đến nay, Vườn quốc gia U Minh hạ chưa để xảy ra vụ cháy nào.
Có được kết quả trên một phần là nhờ các chủ rừng chuẩn bị tốt phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, “5 sẵn sàng”. Vườn quốc gia U Minh hạ, 5 năm gần đây còn được trang bị flycam, các camera tầm nhiệt chuyên dụng, ghi rõ hình ảnh cả ban đêm, kịp thời báo động mỗi khi phát hiện khói, lửa trong rừng.
Giám đốc Vườn quốc gia U Minh hạ Trần Công Hoằng đúc kết: “Nhiều mùa khô đi qua, phòng cháy là công tác chủ đạo. Chứ để xảy cháy là vất vả tốn kém lắm. Cư dân vùng đệm U Minh hạ giờ cũng rất ý thức, tham gia “canh lửa” rừng nhà mình và trực canh lửa luân phiên, xoay vòng tại các trạm, chốt đến khi mùa khô kết thúc. Bởi người dân cũng trồng rừng. Giữ được rừng là giữ được tài sản của chính mình”.
Mùa khô năm nay ở U Minh hạ không gay gắt như năm trước, nhưng lực lượng canh lửa vẫn đang túc trực ngày đêm. Anh Nguyễn Văn Ngọc tiếp tục bám chốt, hơn nửa tháng qua chưa dám về nhà. Mỗi lúc bị vợ giận dỗi, anh lại gọi điện năn nỉ, an ủi, động viên bởi đang vào cao điểm làm nhiệm vụ. Trong khi đó, hệ thống camera tầm nhiệt ở Vườn quốc gia U Minh hạ, tuy thông minh, nhưng thường phát cảnh báo inh ỏi vào rạng sáng, khi mây còn bao phủ trên những đọt tràm. Dẫu biết “mắt thần” nhầm mây là khói, nhưng những người canh lửa mùa khô vẫn phải bật dậy theo phản xạ tự nhiên… Thà lầm hơn bỏ sót!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/canh-lua-mua-kho-o-vuon-quoc-gia-u-minh-ha-post868714.html