Cảnh nô lệ trong đồn điền ở Dominica
Một buổi sáng giữa tháng 2/2021, ông Flexi Bele (66 tuổi), vừa thức dậy thì đối mặt với một toán người trùm mặt kín mít, vai vác súng săn. Đó là bảo vệ của đồn điền mía. Họ đến để báo với ông Flexi rằng, sau hơn 40 năm làm nghề chặt mía, ông bị đuổi việc.
Nhưng ông Flexi còn may mắn khi nhóm bảo vệ còn cho phép ông cùng gia đình chất đồ đạc lên xe tải rồi rời khỏi khu trại. Có những người còn bị chúng đánh rồi đốt trụi căn lán nơi mình ở.
Central Romana, tập đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Cộng hòa Dominica, đang cai trị không ít “tiểu vương quốc” ngay trong lòng quốc gia này. Tại các đồn điền mía thuộc sở hữu của Central Romana, bảo vệ có vũ trang làm thay việc cho cảnh sát, quan tòa. Tập đoàn này sử dụng vũ lực để ép buộc hàng nghìn công nhân đồn điền phải chịu đựng trong im lặng cảnh sống và làm việc khổ cực không khác gì nô lệ.
Nô lệ thời hiện đại
Đa số người làm công cho Central Romana là dân tị nạn từ Haiti. Họ nhập cảnh trái phép nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị chính quyền sở tại trục xuất. Rất nhiều công ty Dominica như Central Romana lợi dụng điều này để bắt người tị nạn lao động với mức tiền lương rẻ mạt.
Một người công nhân đồn điền mía giấu tên kể lại cho phóng viên tờ The Intercept (Mỹ): “Những tên buôn người chở gia đình tôi đến một bãi biển Dominica lúc giữa đêm. Khi đó đã có người chờ sẵn trên bãi biển. Có người chờ gặp thân nhân từ Haiti, nhưng cũng có người của tập đoàn (Central Romana). Họ hứa hẹn cho mình công việc ở trang trại lương cao, lại còn được nhận giấy tờ để sống hợp pháp ở Dominica. Tôi nghe lời họ lên xe chở đến đồn điền. Lúc xuống xe thì họ lấy hết giấy tờ tùy thân của chúng tôi, rồi dọa rằng tìm cách chạy trốn thì sẽ bị cảnh sát bắt trục xuất. Từ lúc đó đến nay cả nhà tôi chưa hề rời đồn điền nửa bước”.
Mỗi nhân công được giao vài công mía để chăm sóc với thu nhập khoảng 220.000 DOP (xấp xỉ 4USD/ ngày). Số tiền này ở bên ngoài còn không đủ nuôi nổi một người một ngày. Nhưng các gia đình công nhân chẳng bao giờ ra ngoài mua đồ. Thức ăn và những nhu yếu phẩm khác đều được cung cấp bởi cửa hàng công ty đặt ngay trong đồn điền. Tiền lương ít, hàng hóa lại đắt đỏ nên người công nhân phải thường xuyên mua chịu. Món nợ với công ty chồng chất lên dần và trở thành “sợi xích” trói buộc công nhân vào đồn điền.
Điều khiến những người công nhân sợ nhất lại là bảo vệ đồn điền. Central Romana sở hữu khoảng 102.000 ha đất tại miền Đông Dominica. Theo ước tính của một tờ báo Dominica, họ có đủ bảo vệ để bố trí cứ 1 ha lại có 2 người. Chưa hết, tập đoàn này thuê toàn những người từng làm cảnh sát, binh lính hay thậm chí là lính đặc nhiệm làm bảo vệ. Họ được trang bị vũ khí “nóng” và xe máy để làm việc canh chừng những người công nhân 24/24, đồng thời đảm bảo thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho đồn điền.
Ông Flexi Bele kể: “Đám bảo vệ đồn điền có tên chính thức là Guardiacampestre (nghĩa là “dân quân nông thôn”), nhưng công nhân chúng tôi vẫn gọi họ là LINCE. Từ sáng đến tối họ đứng trên bờ ruộng canh chừng chúng tôi. Người nào không chăm làm thì sẽ bị họ chửi, nặng hơn nữa là đánh… Có lần một tay bảo vệ say rượu suýt nữa hãm hiếp đứa con gái nhà hàng xóm tôi. May mà con bé chạy thoát, nhưng những ngày sau đó tên bảo vệ cứ nhắm vào bố con bé mà chửi. Anh ấy tức quá nói lại thì bị hắn ta đạp gãy cẳng chân, phải nằm nhà vài tháng”.
Luật sư người Dominica Mario Jacobs hiện đang đại diện cho một số gia đình công nhân khởi kiện Central Romana, bình luận: “Điều tôi không thể chấp nhận là bảo vệ được phép làm những việc sai trái mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật… Mục đích hoạt động của LINCE là đàn áp công nhân”.
Khi được phóng viên tờ The Intercept hỏi về những tội ác của lực lượng bảo vệ đồn điền, phát ngôn viên Jorge Sturla của Central Romana phủ nhận mọi chuyện và cho biết: “Nhiệm vụ chính của LINCE là bảo vệ những cánh đồng mía và đàn gia súc do Central Romana sở hữu. Để tránh bị bọn cướp trả thù, các bảo vệ mới phải đeo kím râm và trùm mặt kín mít. Việc này cũng giúp họ đi đường đất mà không bị bụi vào mắt”.
Lời tuyên bố trên thật vô nghĩa khi chính những người trong đơn vị bảo vệ nói ra sự thật. Một thành viên cũ của LINCE trả lời phỏng vấn: “Nếu chỉ là bảo vệ bò thì việc gì chúng tôi phải đeo mặt nạ chứ?... Ai trong số chúng tôi cũng biết rằng việc của mình là khiến cho những người công nhân sợ để họ chịu làm việc với mức lương rẻ mạt và sống như nô lệ. Ngay từ ngày đầu nhận việc, cấp trên đã nói với tôi rằng đừng coi công nhân như người mà coi như chó. Bộ đồng phục hay cái mặt nạ cũng đều nhằm mục đích khiến ai thoáng nhìn thấy chúng tôi cũng phải sợ”.
Nguồn gốc của tội ác
LINCE được thành lập bởi ông Marcos Tulio Reynoso Ramirez, giám đốc an ninh của Central Romana và nguyên chuẩn tướng quân đội Cộng hòa Dominica. Khi còn trong quân ngũ, Marcos “khét tiếng” về sự mạnh tay của mình trong việc truy quét những nhóm du kích cánh tả. Vài năm sau khi Reynoso Ramirez nghỉ hưu, ông ta được Central Romana thuê làm giám đốc an ninh.
Vị giám đốc an ninh mới đem chiến lược chống quân du kích của mình áp dụng vào việc kiểm soát công nhân. Một cựu nhân viên của Central Romana cho biết: “Năm nào ông Marcos và cấp dưới là Pedro Medrano (nguyên đại tá quân đội) cũng tổ chức huấn luyện LINCE tại khu nghỉ mát Case de Campo. Họ lấy máy bay công ty để chở chuyên gia từ Colombia sang. Tôi nghe nói rằng những chuyên gia này là lính đặc nhiệm chuyên “xử lý” các băng đảng ma túy”.
Còn theo lời một viên bảo vệ từng tham gia khóa huấn luyện trên: “Họ dạy cho chúng tôi cách sử dụng mọi loại vũ khí, từ súng lục 9 ly đến súng săn. Họ dạy cho dù có đang nằm dưới đất hay là ngồi trên yên xe máy cũng phải bắn được mục tiêu... Đến một lúc nào đó tôi phải tự hỏi mình: “Tại sao mình lại ở đây?”. Đó là lúc chúng tôi vừa mới phá cửa túp lều của một người công nhân. Vợ con anh ta khóc lóc thảm thương, nhưng chúng tôi vẫn mặc kệ mà ném hết đồ đạc của họ ra ngoài. Tôi xin nghỉ việc sau vụ đó”.
Nhiều người khác đã và đang làm việc cho Central Romana cũng tỏ thái độ bất mãn tương tự. Họ cho biết LINCE hoạt động không khác nào một băng nhóm du côn. Họ chỉ cần nhận lệnh của cấp trên là sẽ ngay lập tức tổ chức hành hung công nhân và gia đình họ. Nạn nhân là những người bị Central Romana đuổi việc, làm mất lòng lãnh đạo công ty, hay chỉ đơn giản là nói chuyện với người ngoài.
Những đồn điền ở Dominica của tập đoàn Central Romana còn lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ). Bên trong đồn điền là cả một hệ thống đường sá, trạm xăng, trạm điện, nhà máy chế biến, bãi đáp trực thăng, khách sạn và cảng biển. Cảng Central Romana tại thành phố La Romana sở hữu là cảng nước lớn đứng thứ ba toàn Cộng hòa Dominica về diện tích.
Bộ máy cơ sở hạ tầng trên đều nhằm phục vụ việc sản xuất đường và thịt gia súc. Ước tính chỉ riêng nước Mỹ trong năm 2021 đã mua 240 triệu tấn đường thô từ Central Romana. Tập đoàn này đang là nhà xuất khẩu đường thứ 3 vào Mỹ.
Tuy vậy, trong một vài năm trở lại đây các nhà lập pháp Mỹ đã nỗ lực để tìm ra cách giải quyết vấn đề Central Romana bạo hành lao động. Sau khi tạp chí Mother Jones cho công bố một bài điều tra về các đồn điền mía đường ở Dominica, Quốc hội Mỹ liền đệ đơn yêu cầu Tổng thống Biden mở cuộc điều tra Central Romana. Một số đại biểu như hạ nghị sỹ Earl Blumenauer (bang Oregon) còn lên tiếng kêu gọi việc cho phép hải quan Mỹ giữ lại bất kỳ lô hàng đường nào do Central Romana cung cấp: “Cả chính phủ lẫn người tiêu dùng Mỹ đều không muốn sử dụng những mặt hàng do lao động khổ sai làm ra. Trừ khi Central Romana chứng minh được rằng họ đối xử công bằng với người lao động thay vì sử dụng vũ lực để đe dọa, chúng ta có quyền từ chối sản phẩm của họ”.
Ông Earl Blumenauer vừa mới trở về Mỹ vào ngày 14/10 vừa qua sau khi dẫn đầu một phái đoàn ngoại giao sang Dominica khảo sát tình hình. Vị hạ nghị sỹ phát biểu với báo chí: “Điều đầu tiên tôi cảm nhận được từ những công nhân Central Romana là nỗi sợ. Họ luôn sống trong sự sợ hãi, và nỗi sợ đó khiến họ không dám làm gì cả. Việc tập đoàn Central Romana đang làm là hưởng lợi từ sự khổ đau của những người ở dưới đáy xã hội”.
Trong khi chờ đợi Mỹ và các quốc gia khác gây áp lực lên Central Romana, những người công nhân và đồn điền của họ vẫn sẽ phải sống với nỗi lo canh cánh bị bạo hành hay đuổi đi. 8 tháng sau khi ông Flexi Bele cùng gia đình bị buộc rời khỏi nhà họ, LINCE quay trở lại Batey Lima. Nạn nhân của họ lần này là anh Angel Calis García, hàng xóm của ông Flexi. Sau khi chứng kiến việc xảy ra với hàng xóm của mình, Angel đã tìm cách liên lạc với phóng viên để kể lại mọi chuyện.
Lần này toán bảo vệ còn không đập cửa. Họ đồng loạt rút súng lục ra bắn chỉ thiên. Người thân của Angel chạy ra thì bảo vệ xông vào nhà họ rồi vứt hết đồ đạc ra ngoài. Xe tải của công ty đã đỗ sẵn ở gần đó để chờ chở gia đình Angel ra khỏi đồn điền. Đó là cách mà sau 15 năm làm việc khổ cực, Angel quay trở lại cảnh tay trắng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/canh-no-le-trong-don-dien-o-dominica-i672283/