'Cánh rừng tự sát' của Nhật Bản hiện tại thế nào sau nhiều năm gây ám ảnh?

Rừng Aokigahara là nơi có lịch sử đen tối và ám ảnh với hàng trăm thi thể đã được phát hiện.

Có những địa danh nổi tiếng không phải vì vẻ đẹp mà vì câu chuyện của nó. Có lẽ khu rừng Aokigahara ở Nhật Bản là một trong những nơi nổi tiếng nhất thế giới vì cái tên ám ảnh nhất: cánh rừng tự sát.

Vẻ đẹp ma mị của khu rừng ngàn xưa

Aokigahara nằm ở tỉnh Yamanashi, phía bắc của núi Phú Sĩ, cách Tokyo chỉ 2 tiếng lái xe. Đây là một khu rừng rất già với hơn 1.000 năm tuổi, và đó cũng là số năm mà những truyền thuyết về “ngôi rừng bị nguyền rủa” được lưu truyền. Khu rừng theo truyền thuyết là quê hương của yūrei, theo thần thoại Nhật Bản có nghĩa là hồn ma của người chết. Đây là nơi phổ biến thứ hai trên thế giới để tự tử, sau Cầu Cổng Vàng ở Mỹ.

Một trong những tấm biển được cơ quan chức năng dựng lên với nội dung: "Cuộc sống là món quà quý giá do cha mẹ ban tặng cho chúng ta. Đừng lo lắng một mình, hãy liên hệ với chúng tôi trước. Liên hệ với Ủy ban liên lạc phòng chống tự sát của Sở cảnh sát Fujiyoshida"

Một trong những tấm biển được cơ quan chức năng dựng lên với nội dung: "Cuộc sống là món quà quý giá do cha mẹ ban tặng cho chúng ta. Đừng lo lắng một mình, hãy liên hệ với chúng tôi trước. Liên hệ với Ủy ban liên lạc phòng chống tự sát của Sở cảnh sát Fujiyoshida"

Nhật Bản vốn được biết đến với một kỷ lục không ai mong muốn: tỷ lệ số người tự kết liễu cuộc đời cao nhất thế giới. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vì xã hội quá áp lực trong mọi mặt.

Tại sao Aokigahara lại trở thành một địa điểm tự tử nổi tiếng như vậy? Có nhiều lý do khác nhau đằng sau điều này. Theo truyền thuyết địa phương, vào thời cổ đại rừng Aokigahara là nơi người ta thực hành ubasute, một phong tục cổ của Nhật Bản bao gồm việc đưa người già hoặc người bệnh đến những nơi xa xôi và để họ chết ở đó. Theo một truyền thuyết khác, khu rừng cũng là nơi các gia đình nghèo thường bỏ rơi trẻ sơ sinh hoặc người già mà họ không thể nuôi được trong nạn đói. Danh tiếng đen tối của Aokigahara đã tồn tại hàng thế kỷ.

Trong 70 năm qua, khoảng 500 xác chết của những người vào rừng để tự tử đã được phát hiện. Vấn đề nghiêm trọng đến mức các nhà chức trách đã phải dán thông báo bằng nhiều ngôn ngữ ở các khu vực khác nhau trong rừng để khuyến khích những người đang tuyệt vọng hãy tìm đến sự giúp đỡ trước khi thực hiện hành vi đáng tiếc.

Những hình ảnh đen tối và bi thương trong Aokigahara

Những hình ảnh đen tối và bi thương trong Aokigahara

Không khí u ám và những câu chuyện xoay quanh Aokigahara đã khiến ai cũng phải sợ hãi và ái ngại khi bước vào đây. Có nhiều lời đồn đại rằng Aokigahara khiến những người bước vào đó mất phương hướng, rằng khu rừng có một “ám khí” khiến con người cảm thấy bi quan và muốn suy nghĩ tiêu cực mỗi khi bước vào. Nhưng trên thực tế, điều này rất dễ lý giải: nguyên do là vì đây là một khu rừng rất tươi tốt. Chính vì có nhiều cây cao nên có nhiều nơi ánh sáng mặt trời không chiếu tới, đem lại cảm giác u tối và khiến người đi dạo dễ lạc đường.

Một nguyên nhân thứ hai khiến người ta khiếp sợ Aokigahara là tất cả các công nghệ và thiết bị hiện đại như la bàn và điện thoại di động đều mất sóng trong rừng. Thực tế, nguyên do đến từ việc trong rừng có nhiều sắt từ được tạo ra bởi đất núi lửa trong khu vực.

Cánh rừng tự sát đang hồi sinh

Trong vài năm trở lại đây, sức sống đang trở lại với Aokigahara. Nhiều dịch vụ, hàng quán đã mọc lên để phục vụ các du khách. Nhiều người đã đến với Aokigahara để du lịch, đi dạo thay vì tìm đến nó như một nơi chết chóc. Nhờ những nỗ lực của chính quyền, các vụ tự vẫn ở Aokigahara được cho là đã giảm dần theo năm tháng, mặc dù kể từ năm 2021 chính quyền đã ngừng công bố số vụ tự tẫn tại đây. Và những truyền thuyết đen tối cũng ít được nhắc tới.

Rừng Aokigahara là địa điểm du lịch, tham quan thiên nhiên tươi đẹp

Rừng Aokigahara là địa điểm du lịch, tham quan thiên nhiên tươi đẹp

Với vẻ đẹp tự nhiên, nơi đây thu hút đông đảo những người đi bộ đường dài và những người yêu thích phiêu lưu đến để chứng kiến vẻ đẹp của núi Phú Sĩ. Đây cũng là một khu vực có vẻ đẹp tự nhiên với một số hang động dung nham và nhiều động vật hoang dã. Tuy nhiên, những người vào rừng với mục đích du lịch được khuyến cáo không đi một mình và mang theo một cuộn băng nhựa để đánh dấu đường đi, tránh bị lạc.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/canh-rung-tu-sat-cua-nhat-ban-hien-tai-the-nao-sau-nhieu-nam-gay-am-anh-172230809091412851.htm