Cảnh sát Ấn Độ phong tỏa thủ đô, đoàn nông dân lái máy kéo quyết tiến vào
Ngày 14/2, cảnh sát chống bạo động Ấn Độ bắn hơi cay vào đoàn nông dân lái máy kéo cố vượt qua các rào chắn và tuần hành về thủ đô để đòi đảm bảo giá nông sản.
Trong tuần này, nông dân Ấn Độ triển khai phong trào "Delhi Chalo" hay "Tuần hành về Delhi", gợi nhớ sự kiện vào tháng 1/2021, khi nông dân tiến về thủ đô vào ngày quốc khánh để mở màn phong trào biểu tình kéo dài suốt cả năm.
Lần này, những hàng dài gồm hàng trăm máy kéo bị chặn bằng khối bê tông và dây thép gai.
Đòi hỏi của nông dân là phải có luật bảo đảm mức giá tối thiểu cho nông sản và một số ưu tiên khác, như ưu đãi về vay vốn.
Cảnh sát sử dụng hơi cay ở Shambhu, cách thủ đô khoảng 200km về phía bắc, ở khu vực ranh giới giữa bang Punjab và Haryana, nơi nhóm nông dân chính đã bị chặn lại.
Ông Mohan Singh (một nông dân 65 tuổi đến từ huyện Kapurthala thuộc bang Punjab, cách Delhi khoảng 415km đường bộ), cho biết: “Cảnh sát đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi đến từ nước thù địch. Tất cả những gì chúng tôi muốn là đến Delhi để đòi quyền lợi của mình, nhưng hơn 150 người trong chúng tôi đã bị thương”.
Cảnh sát bang Haryana cho biết, cảnh sát bị ném bằng "những cục đá to" và 24 sĩ quan đã bị thương.
Nông dân ở Ấn Độ có ảnh hưởng chính trị đáng kể nhờ số lượng đông đảo. Cuộc biểu tình lần này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 4.
Theo số liệu của chính phủ, 2/3 trong tổng số 1,4 tỷ dân Ấn Độ sống dựa vào nông nghiệp, đóng góp gần 1/5 GDP của đất nước.
Ông Santokh Singh (65 tuổi, đến từ Ludhiana ở Punjab), cho biết: “Chúng tôi đang chờ tín hiệu từ các thủ lĩnh. Khi có tín hiệu, chúng tôi sẽ phá vỡ mọi rào cản".
Tuy nhiên, lãnh đạo công đoàn nông trại dùng micro để kêu gọi nông dân kiềm chế.
“Chúng ta sẽ thắng trận chiến này và tới Delhi. Nhưng chúng ta không thể để mình bị cuốn đi được", một thủ lĩnh nói.
Cảnh sát đã bao vây thủ đô ở 3 phía, chặn các đường cao tốc bằng gai kim loại, khối và rào chắn, tín hiệu internet di động bị ngắt ở một số khu vực của Haryana.
Ở nhiều nơi, những con mương đã được đào để ngăn máy kéo, nhưng một số nông dân cố vượt qua chướng ngại vật bằng cách lái máy kéo băng qua cánh đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Arjun Munda cho biết, luật đảm bảo giá hỗ trợ tối thiểu cho nông sản “không thể ban hành vội vàng”, Press Trust đưa tin ngày 13/2.
Ông Munda cho biết, việc đàm phán với các hội nông dân vẫn đang diễn ra. Ông kêu gọi biểu tình cảnh giác với những đối tượng đang tìm cách lợi dụng biểu tình để đạt được lợi ích chính trị.
Phong trào biểu tình hồi tháng 11/2020 kéo dài hơn 1 năm, tạo nên thách thức lớn nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi kể từ khi lên nắm quyền năm 2014.
Khi đó, hàng chục nghìn nông dân dựng lều tạm để đấu tranh đến cùng, với ít nhất 700 người thiệt mạng trong quá trình tham gia.
Tháng 11/2021, Thủ tướng Modi thúc đẩy Quốc hội bãi bỏ 3 đạo luật gây tranh cãi mà nông dân cho rằng sẽ giúp các công ty tư nhân kiểm soát ngành nông nghiệp của đất nước.