Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân: Giám sát tại bờ, đồng hành trên biển
'Tàu cá Việt Nam chú ý, Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển tiếp giáp vùng biển của nước ngoài. CSB Việt Nam yêu cầu các tàu cá của Việt Nam hoạt động trong khu vực chấp hành nghiêm pháp luật của Việt Nam, không vi phạm vùng biển của nước ngoài. Nếu bà con cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật..!'.
Tiếng loa tuyên truyền đặc biệt công suất lớn trên tàu Cảnh sát biển 4039 vang lên khắp một vùng biển rộng, khu vực có nhiều tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hải sản.
Chuyến tuần tra của biên đội tàu thuộc Hải đội 401 (Vùng Cảnh sát biển 4) trên khu vực tiếp giáp giữa vùng biển Tây Nam của Việt Nam với vùng biển các nước trong khu vực là một trong những chuyến công tác đặc biệt bởi thành phần không chỉ có cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển mà còn có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh ven biển vùng Tây Nam Bộ.
Tại vùng biển tiếp giáp, tàu CSB 4039 đã hạ xuồng đưa đoàn công tác liên ngành vượt sóng tiếp cận các tàu cá của ngư dân đang đánh bắt tại đây để kiểm tra, tuyên truyền việc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Chúng tôi lên tàu cá mang số hiệu CM 90875 TS đang hoạt động cách đường tiếp giáp 1,3 hải lý bên phía biển Việt Nam.
Tàu cá này gồm 18 thuyền viên do anh Nguyễn Chánh Kha, trú tại khối 6, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra, thuyền trưởng và các thuyền viên xuất trình đủ các loại giấy tờ hợp pháp theo quy định.
Tuy nhiên, khi kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của tàu thì phát hiện thiết bị đã hỏng, không còn hoạt động. Thuyền trưởng tàu cá CM 90875 TS giải thích, do đi biển dài ngày và tác động của sóng gió, nước biển khiến thiết bị giám sát hành trình bị hỏng lúc nào không hay... Cùng với tuyên truyền trực tiếp trên biển, với những lỗi vi phạm như trên sẽ được lực lượng chức năng lưu lại để khi tàu về bờ sẽ phối hợp với địa phương xử lý theo quy định.
Cầm trên tay tờ rơi tuyên truyền vừa nhận, ngư dân Thạch Trung Kiên, thuyền viên của tàu CM 90875 TS cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền về những ảnh hưởng xấu của việc tàu cá vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Anh em cũng bảo nhau chấp hành, tuy nhiên giữa biển khơi mênh mông, do mải làm ăn nên nhiều khi tàu lấn sang vùng biển nước ngoài mà chúng tôi không biết”.
Có mặt trong đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Ở địa phương, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành kiểm tra, giám sát các phương tiện tàu, thuyền của ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Giờ được tham gia đoàn công tác của CSB trực tiếp lên tàu cá để kiểm tra, nắm được thực trạng chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển của bà con, chúng tôi có cơ sở chỉ đạo các ngành chức năng địa phương phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng để tuyên truyền cho ngư dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài".
Đại tá Trần Nguyên Lai, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng CSB 4, trưởng đoàn công tác cho rằng, việc phối hợp, hiệp đồng giữa CSB với các cấp, các ngành, các lực lượng thời gian qua đã cho thấy, địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết “gốc rễ" bài toán chống khai thác IUU.
Địa phương trực tiếp theo dõi, tuyên truyền pháp luật, tổ chức giáo dục, quản lý ngư dân, giám sát hoạt động nghề cá, lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Bên cạnh đó, các địa phương còn kiểm soát tàu cá tại các cảng. Vì thế, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng để bảo đảm việc chống khai thác IUU hiệu quả, bền vững.
Bài và ảnh: ANH THÁI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân xem các tin, bài liên quan.