Cảnh sát chỉ kỹ năng phòng vệ khi giáp mặt kẻ trộm
Chủ nhà cần ưu tiên bảo vệ tính mạng chứ không phải tài sản. Nếu bắt trộm, tuyệt đối không hành hung, gây thương tích cho kẻ đột nhập để tránh lao lý.
Vụ án Phan Chí Thiện (30 tuổi, ở TP Trà Vinh) đột nhập nhà ông D.T. (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Trà Vinh), đâm gục vợ chồng gia chủ để cướp tài sản được lãnh đạo công an tỉnh này đánh giá "rất manh động, liều lĩnh và gây bức xúc trong nhân dân".
Chia sẻ với Zing, các chuyên gia cho rằng vụ án còn là bài học sinh tử đối với chủ nhà. Ngoài đưa ra các tình huống pháp lý, chuyên gia cũng khuyến cáo người dân kỹ năng ứng phó trộm đột nhập.
Đối phó ra sao để giữ tính mạng?
Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhấn mạnh phản ứng của gia chủ khi trộm vào nhà quyết định rất lớn đến an toàn tính mạng của chính mình.
Theo chuyên gia, mục đích chính của kẻ gian khi đột nhập để lấy tài sản. Nếu gặp sự phản kháng của chủ nhà, vụ trộm có thể lập tức chuyển hóa thành trọng án. Ông Hiếu khuyến cáo trong mọi tình huống giáp mặt, gia chủ cần ưu tiên bảo vệ số một là tính mạng chứ không phải tài sản.
Tâm lý của tội phạm thường quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng và luôn chứa đựng nỗi sợ bị bắt. Trong khi đó, nhiều trường hợp thay vì đóng cửa hoặc báo công an thì lại lao vào, hô hét hoặc cố bắt giữ. Theo trung tá Đào Trung Hiếu, điều đó vô tình kích hoạt nỗi sợ bên trong và bản năng tự vệ của kẻ đột nhập, dẫn tới chống trả, thậm chí giết người.
Qua một số vụ án đã xảy ra, chuyên gia nhấn mạnh việc cố gắng bắt giữ hay phản kháng với kẻ trộm thường để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đưa ra khuyến cáo trong tình huống giáp mặt kẻ đột nhập, trung tá Đào Trung Hiếu khuyên đầu tiên chủ nhà phải tìm một vật để tự vệ, sau đó tìm cách tiếp cận phòng có người già, trẻ em hoặc người không có khả năng tự vệ, yêu cầu giữ bí mật rồi đưa vào các phòng có cửa chắc chắn, khóa chặt và gọi điện báo công an.
Nếu đang ngủ mà phát hiện trộm vào, gia chủ không hô hoán mà nên giả vờ ngủ say. Khi nào kẻ gian đi nơi khác thì lập tức chạy đến phòng gần đó đóng cửa, bật điện rồi gọi điện thoại cho công an.
Cùng khuyến cáo cách ứng phó với trộm đột nhập, một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết trong mọi hoàn cảnh, người dân nên chủ động phòng hơn là tìm cách đối phó để tránh gặp nguy hiểm.
"Trộm lọt vào nhà rất khó ứng phó, chúng luôn ở thế chủ động và thậm chí có hung khí, sẵn sàng kháng cự đến cùng để thoát thân", cảnh sát hình sự phân tích.
Theo khuyến cáo, nếu phát hiện nhà mình có dấu hiệu bị lục lọi, nghi vấn đột nhập, người dân không nên lùng sục bắt trộm. Hãy bình tĩnh, báo cho người nhà để cùng trốn vào một phòng, khóa chặt cửa rồi gọi báo công an, người thân hay hàng xóm hỗ trợ. Nếu có đông người thì mới tìm những vật dụng có thể tấn công, bắt trộm.
Trường hợp bị trộm khống chế, nạn nhân cần làm theo yêu cầu của chúng, không được tiếc tài sản mà bình tĩnh, cố gắng nhớ nét mặt, nghe giọng nói, nhìn chiều cao,... để trình báo phục vụ điều tra. Sau khi trộm đã đi khỏi, nên giữ nguyên hiện trường, đồng thời đưa người đi cấp cứu (nếu có).
Chủ nhà có quyền phòng vệ chính đáng
Dưới góc độ pháp lý, đại tá - luật sư Lê Ngọc Khánh (Đoàn luật sư Hà Nội), phân tích hành vi trộm tấn công chủ nhà bằng hung khí gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Do đó, chủ nhà có quyền phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên, luật sư khuyến cáo việc chống trả kẻ đột nhập phải ở mức cần thiết thì mới được xem là phòng vệ chính đáng. Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích này.
Trong các tình huống bị đột nhập, đại tá Lê Ngọc Khánh cho rằng chủ nhà ở thế chủ động, chính nghĩa, còn kẻ trộm là người bị động và hành động phi pháp. Luật sư nhấn mạnh gia chủ cần giữ bình tĩnh, tìm cách ứng phó hợp lý, khôn khéo, không nên hoảng sợ hoặc tấn công đối phương quá mức cần thiết.
Trường hợp kẻ đột nhập tỏ ra manh động, chủ nhà có thể dùng lời nói, thuyết phục hoặc phân tán sự tập trung của kẻ trộm rồi tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự nguy hiểm.
"Chỉ nên chống trả, khống chế và bắt trộm khi thấy mình đủ khả năng, nhưng phải trong giới hạn cần thiết. Nếu bị trộm tấn công, chủ nhà chỉ chống trả lại tương xứng với sự tấn công đó", luật sư Khánh khuyến cáo.
Theo ông, nếu kẻ trộm có hành vi tấn công chủ nhà hoặc chưa tấn công nhưng gia chủ không tấn công trước thì có thể dẫn đến tính mạng, sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình bị uy hiếp nghiêm trọng thì lúc đó, việc ứng phó của chủ nhà không bị coi là cấu thành tội phạm mà đó là phòng vệ chính đáng.
Đặc biệt, sau khi bắt và khống chế được kẻ đột nhập, nạn nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng, tuyệt đối không hành hung, gây thương tích cho kẻ trộm để tránh vướng lao lý.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-sat-chi-ky-nang-phong-ve-khi-giap-mat-ke-trom-post1273723.html