Cảnh sát cứu hộ và chuyên gia tâm lý

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sau mỗi vụ việc, các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông còn phải là những 'chuyên gia tâm lý' cho chính nạn nhân và người thân của họ.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sau mỗi vụ việc, các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông còn phải là những “chuyên gia tâm lý” cho chính nạn nhân và người thân của họ.

Sau khi nhận nhiệm vụ, mọi thao tác phải triển khai nhanh nhất có thể, “sớm một phút có thể cứu được mạng người”

Sau khi nhận nhiệm vụ, mọi thao tác phải triển khai nhanh nhất có thể, “sớm một phút có thể cứu được mạng người”

Chạy đua với thời gian để cứu người

Với cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông (Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An), hầu hết các vụ việc mà Đội nhận nhiệm vụ đều xảy ra ở khu vực cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2, bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Theo báo cáo sơ bộ, chỉ tính từ đầu năm tới nay, đơn vị đã thực hiện 15 vụ cứu hộ, cứu nạn, riêng trong năm 2023, Đội tiếp nhận hơn 20 vụ trong đó có 2 trường hợp được cứu sống.

Đại úy Đậu Khắc Hà - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông cho biết, khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Đội nhanh chóng triển khai lực lượng lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần nhanh nhất có thể, với phương châm “sớm một phút có thể cứu được mạng người”. Nhưng dù triển khai nhanh hết mức, nhưng nếu sự việc diễn ra đã lâu thì xác suất cứu được người bị nạn là rất thấp. Nhắc lại vụ cứu hộ một trường hợp đuối nước xảy ra ở cống Rào Đừng, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc vào tháng 7-2023, Đại úy Hà trăn trở: “Hôm đó, thông tin chuyển đến là một nam sinh 17 tuổi bị cuốn vào cống. Do khu vực xảy ra gần cửa xả đáy của cống ngăn mặn nên rất khó cho công tác tìm kiếm, đặc biệt khả năng sống sót của nạn nhân là gần như không còn. Chúng tôi triển khai một tổ cứu hộ tìm kiếm ở khu vực hạ nguồn, còn một chiến sĩ lặn sâu vào lòng cống. Mới được nửa cống thì chiến sĩ này phải ra tín hiệu để đồng đội kéo lên vì phía dưới đá lởm chởm, đầy gạch vỡ và mảnh sành cộng với áp suất lớn nên một mình thực hiện nhiệm vụ này rất nguy hiểm. Dù khả năng nạn nhân mắc kẹt phía trong là khó xảy ra nhưng trước nỗi đau của gia đình nạn nhân, lực lượng tiếp tục nỗ lực, không cho phép mình bỏ qua một khả năng nào. Lần thứ 2, chúng tôi cử 2 người cùng lặn xuống để hỗ trợ nhau nhưng vẫn không có kết quả”.

Là chiến sĩ nghĩa vụ trẻ nhất Đội, mới về đơn vị chưa lâu nhưng Hoàng Ngọc Hiếu (19 tuổi) đã trực tiếp tham gia 13 vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông. Cứ sau mỗi lần tiếp xúc trực tiếp với những thi thể bị phân hủy, người lính trẻ này thường bỏ dở những bữa cơm và gặp ác mộng. “Điều này khó khăn hơn nhiều so với cường độ luyện tập hay hiểm nguy mà một người lính cứu nạn cứu hộ đối mặt, nhưng tất cả rồi sẽ qua đi, cứ nghĩ đến mạng sống của con người hay nỗi khổ tâm của gia đình nạn nhân là lại dấn bước”, Hiếu tâm tư.

Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An tham gia huấn luyện.

Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An tham gia huấn luyện.

Những “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ

Ngoài chạy đua với thời gian để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất, nhiều cán bộ chiến sĩ cứu nạn cứu hộ trở thành những “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ, trấn an tinh thần cho chính nạn nhân và người thân của nạn nhân sau “cú sốc” về tâm lý.

Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và chiến sỹ Hoàng Ngọc Hiếu chia sẻ về quá trình làm nhiệm vụ.

Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và chiến sỹ Hoàng Ngọc Hiếu chia sẻ về quá trình làm nhiệm vụ.

Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An phân tích, khi rơi từ vị trí cao xuống mặt nước, hầu hết nạn nhân đều “lành ít, dữ nhiều”. Về 2 trường hợp được cứu sống, Đại úy Phúc cho rằng có thể do yếu tố cơ địa và may mắn. Tuy nhiên, thực tế nạn nhân tự nổi không duy trì được lâu, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nạn nhân bị mất sức và chìm dần. “Trường hợp người phụ nữ gần 50 tuổi, quê ở Hà Tĩnh trôi nổi trên sông Lam gần 1 tiếng sau khi nhảy xuống từ cầu Bến Thủy có lẽ là trường hợp hiếm hoi. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thì chị đã kiệt sức, tâm lý bất ổn, chưa từ bỏ ý định muốn tự tử, thều thào “đừng cứu chị, để chị chết”. Khi đã lên bờ an toàn, chúng tôi hỏi về thông tin cá nhân thì nạn nhân không cung cấp. Sau 4 tiếng động viên, trấn an, chị mới ổn định tâm lý và đồng ý cung cấp số điện thoại người thân.

Theo Đại úy Phúc, đối với những trường hợp này, cán bộ chiến sĩ vừa động viên, vừa giải thích để nạn nhân hiểu rằng sinh mạng là quan trọng nhất, những việc khác, dù khó khăn đến đâu cũng đều có cách giải quyết. “Những trường hợp này, sau khi liên hệ với gia đình, chúng tôi sẽ bí mật cung cấp thông tin để gia đình phối hợp, tránh việc nạn nhân bị tác động tâm lý và tiếp tục có hành động dại dột”, Đại úy Phúc lý giải.

Ngoài nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, những cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH kiêm thêm nhiệm vụ làm “chuyên gia tâm lý”.

Ngoài nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, những cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH kiêm thêm nhiệm vụ làm “chuyên gia tâm lý”.

Ngoài cứu hộ, nỗ lực tìm kiếm người bị nạn, tư vấn tâm lý, nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC và CNCH trên sông còn sẵn sàng hỗ trợ gia đình nạn nhân lo hậu sự. “Có những vụ việc, nhiều người cha, người mẹ, người vợ, đứa con lâm vào cảnh “tang gia bối rối” không còn tâm lý nào để lo hậu sự cho nạn nhân, lực lượng PCCC và CNCH sẵn sàng hỗ trợ”, Đại úy Lê Quốc Phúc chia sẻ.

Luôn đối mặt với gian khổ, hiểm nguy và cả nỗi niềm, ám ảnh... nhưng những cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH trên sông vẫn sẵn sàng lên đường, không chỉ với trách nhiệm của những người trong nghề mà hơn hết vẫn là sứ mệnh cứu sống một cuộc đời hay phần việc an ủi cuối cùng đối với những người đã khuất.

HÓA DƯƠNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-sat-cuu-ho-va-chuyen-gia-tam-ly-post296919.html