Cảnh sát đường thủy quyết tâm dẹp nạn bán hàng rong trên vịnh Hạ Long
Trước tình trạng người dân sử dụng thuyền nan, tàu loại nhỏ bám, buộc vào tàu du lịch để bán hàng cho du khách trên vịnh Hạ Long tái diễn, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng chức năng quyết liệt xử lý.
Trung tá Nguyễn Văn Thìn – Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của vịnh Hạ Long. Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng này tái diễn, nhất là khu vực giáp ranh giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng) với nhiều phương thức mới.
Trong đó đáng chú ý, có nhiều trường hợp người bán hàng rong sử dụng phương tiện loại nhỏ, đục thủng một lỗ trên phương tiện, dùng vật liệu bịt lại. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chủ phương tiện tìm cách chạy từ địa phận Quảng Ninh sang địa phận Hải Phòng để trốn tránh. Nếu không chạy thoát, chủ phương tiện sẽ rút chốt lỗ thủng cho nước tràn vào đánh chìm. Sau đó, những người này lại tìm cách trục vớt phương tiện lên để tái phạm hành nghề. Chưa kể nhiều đối tượng manh động, chống đối quyết liệt khi bị phát hiện, xử lý.
Trước thực trạng trên, Đội Cảnh sát đường thủy đã tham mưu Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng khác như Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai (BTL Bộ đội biên phòng Quảng Ninh), Chi hội tàu du lịch Hạ Long… triển khai quyết liệt các phương án để dẹp bỏ vấn nạn này.
Theo đó, chỉ trong những ngày đầu tháng 3/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Nổi bật như vụ phát hiện, xử lý 2 phương tiện vi phạm mang biển kiểm soát QN: 67264-TST, do Trần Văn Quân (SN 1986, trú khu 8, phường Hà Phong) điều khiển và 3544-TS, do Phạm Văn Tuấn (SN 1981, trú tại phường Hùng Thắng, cùng TP Hạ Long) điều khiển.
Mới đây nhất, vào ngày 12/3, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện thủy không có biển kiểm soát, do Vũ Văn Thành (SN 2001, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện đã không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký và giấy tờ liên quan, lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định.
“Cùng với phát hiện xử lý nghiêm vi phạm, chúng tôi cũng phối hợp với Chi hội tàu du lịch Hạ Long tăng cường vận động các chủ tàu không trao đổi hàng hóa với các phương tiện đeo bám, đồng thời báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện tình trạng vi phạm để kịp thời xử lý” – Trung tá Nguyễn Văn Thìn nói.
Được biết, hiện vịnh Hạ Long có gần 500 tàu du lịch, trong đó có gần 200 tàu nghỉ đêm, vì vậy việc đảm bảo ATGT, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách là hết sức quan trọng. Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Thìn cho biết thêm, với các hành vi bám, buộc vào tàu du lịch bán hàng của chủ các phương tiện để bán hàng, có thể xem xét xử phạt hành chính tới 7,5 triệu đồng.