Cảnh sát giao thông ra quân, người dân Hà Tĩnh đổ xô mua bảo hiểm ô tô, xe máy
Trong 4 ngày (15-18/5) , hệ thống bưu điện trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã bán gần 11.000 bảo hiểm ô tô, xe máy, trong đó hầu hết là bảo hiểm xe máy.
Nhân viên cửa hàng Xăng dầu số 31, đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) đang ghi bảo hiểm xe máy cho khách hàng
Từ ngày 15/5, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) triển khai thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó sẽ xử phạt đối với các trường hợp không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.
Khi có thông tin cảnh sát giao thông (CSGT) có thể dừng kiểm tra phương tiện giao thông mà không cần lý do, anh Nguyễn Văn Hùng ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) giật mình vì đã mấy năm nay không mua bảo hiểm xe máy.
“Bảo hiểm mua theo năm nên nhiều lúc không nhớ để mua. Chỉ khi bị phạm lỗi, bị kiểm tra giấy tờ thì mới biết bảo hiểm có còn hạn hay không” – anh Hùng cho biết.
Nhân viên Bưu điện Hương Khê bán bảo hiểm xe máy cho khách hàng
Khi CSGT cả nước ra quân trong 1 tháng và có quyền dừng kiểm tra tất cả các phương tiện mà không cần lý do, trong đó, chủ phương tiện xe máy nếu không có bảo hiểm xe sẽ có thể bị phạt từ 100 đến 200.000 đồng đã khiến nhiều người đổ xô đi tìm mua bảo hiểm.
“Tôi làm nội trợ, hàng ngày chạy xe từ nhà ra chợ khoảng 2km nên cũng không để ý việc mua bảo hiểm xe máy. Vì vậy, mấy năm rồi không mua bảo hiểm. Nay, nghe thông tin có đợt ra quân kiểm tra nên phải mua cho chắc ăn” - bà Nguyên Thị Hương ở Can Lộc cho hay.
Bà Trần Thị Hà – Phó Phòng Kinh doanh Bưu điện Hà Tĩnh cho biết, trong 4 ngày (15-18/5), hệ thống bưu điện trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã bán gần 11.000 bảo hiểm ô tô, xe máy, trong đó hầu hết là bảo hiểm xe máy. Ngày hôm nay (19/5) tất cả 230 điểm bưu điện văn hóa xã ra quân bán bảo hiểm phục vụ tận nơi cho bà con. Dự kiến sẽ bán được 3.500 cái - chị Hà cho biết
Đây là con số tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước (tháng 5/2019 cả hệ thống bưu điện chỉ bán 1.200 cái bảo hiểm - PV).
Người tham gia giao thông cần xuất trình các loại giấy tờ, trong đó có bảo hiểm bắt buộc
“Mấy ngày qua, tại của hàng xăng dầu, chúng tôi đã bán bình quân 120 bảo hiểm/ngày, chủ yếu là bảo hiểm xe máy. Đây là con số tăng đột biến so với bình thường” – nhân viên cửa hàng xăng dầu số 31, đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) xác nhận. Hiện, trên thị trường có hơn 15 công ty, đơn vị phát hành bảo hiểm ô tô, xe máy với hàng trăm đại lý, hàng nghìn nhân viên bán hàng.
Với bảo hiểm xe máy bắt buộc, trên thị trường hiện nay đang có giá từ 66.000 - 100.000 đồng/năm; bảo hiểm xe máy tự nguyện từ 10 - 20.000 đồng/năm.
“Mức giá bảo hiểm có thể do mức đền bù hoặc do người bán tự điều chỉnh, tùy thuộc vào mức chiết khấu của từng đơn vị phát hành mà họ sẽ để giá cao hoặc thấp” – ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Bảo Việt Hà Tĩnh cho biết.
CSGT kiểm tra giấy tờ xe của người tham gia giao thông
“Người tham gia giao thông cần xuất trình các loại giấy tờ, trong đó có bảo hiểm bắt buộc. Bảo hiểm tự nguyện là để đề phòng khi người điều khiển xe xảy ra tai nạn, không phải xuất trình khi CSGT kiểm tra giấy tờ.
Mọi người cần hỏi rõ người bán và xem kỹ giấy tờ bảo hiểm trước khi mua để tránh nhầm lẫn. Bởi, có bảo hiểm tự nguyện mà không có bảo hiểm bắt buộc thì CSGT vẫn sẽ phạt” – Trung tá Trần An Ninh, Phó Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cho biết.
Mức phạt đối với ô tô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc
Hiện nay, mức phạt đối với ô tô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây phạt 80.000 - 120.000 đồng).
Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (bằng mức phạt tại Nghị định 46).