Cảnh sát hình sự khám xét trụ sở công ty F88 tại Sài Gòn

Sáng 6/3, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an TP HCM, Công an quận Gò Vấp, phong tỏa trụ sở văn phòng đại diện của CTCP Kinh doanh F88, nằm trên đường Nguyễn Oanh, TP HCM.

Công an khám xét trụ sở F88 tại TP HCM sáng 6/3. Ảnh: CAND

Công an khám xét trụ sở F88 tại TP HCM sáng 6/3. Ảnh: CAND

Bước đầu, cơ quan chức năng nghi ngờ công ty này thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản. Việc khám xét tại TP HCM để phục vụ công tác điều tra, làm rõ.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2023, hàng loạt điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty F88 tại Thanh Hóa đã bị UBND TP Thanh Hóa xử phạt hành chính.

Công an Thanh Hóa xác định, các chi nhánh của F88 đã vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản...

Tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 tại TP Thanh Hóa đều nằm trong hạn mức lãi suất cho phép nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người vay, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí như phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…

Công an Thanh Hóa tổ chức kiểm tra hoạt động của chi nhánh F88 trên địa bàn hồi đầu năm 2023. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Công an Thanh Hóa tổ chức kiểm tra hoạt động của chi nhánh F88 trên địa bàn hồi đầu năm 2023. Ảnh: Công an Thanh Hóa

F88 xuất hiện trên thị trường tài chính từ năm 2013. Xuất phát từ 10 cửa hàng kinh doanh theo mô hình cầm đồ, đến nay F88 đã phát triển mở rộng mạng lưới hơn 800 cửa hàng tài chính tiện ích với mục đích cung cấp đa dịch vụ trong 1 điểm đến.

Ngày 2/3 vừa qua, F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư gần 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ hai nhà đầu tư là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV, thuộc Mekong Capital tư vấn quản lý). Trong đó, VOI, đơn vị liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư chính phủ Oman và SCIC, góp 30 triệu USD.

Năm 2017 - 2018, F88 đã thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ quỹ Granite Oak.

Năm 2022, đơn vị này tiếp tục thu hút được hơn 70 triệu USD từ hai quỹ quốc tế là CLSA Capital Partners (Hồng Kông, Trung Quốc) và Lendable (London).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/canh-sat-hinh-su-kham-xet-tru-so-cong-ty-f88-tai-sai-gon-post18608.html