Cảnh sát lao xe vào người biểu tình ở New York, thị trưởng nói gì?
Video ngắn trên mạng xã hội và trên truyền hình càng 'đổ thêm dầu vào lửa' cuộc biểu tình ở New York. Một xe cảnh sát lái vào đám đông, rồi xe thứ hai cũng vậy, đâm đổ rào chắn.
Đám đông, đang tập trung biểu tình phản đối vụ cảnh sát da trắng đè chết người đàn ông da đen ở Minnesota, chạy tản ra một cách hỗn loạn.
Dù vụ cảnh sát giết người da đen xảy ra ở bang Minnesota, biểu tình đã lan ra tới 75 thành phố ở Mỹ. Một lần nữa, New York phải đối phó với biểu tình, gợi lại những vấn đề về bạo lực cảnh sát tại chính thành phố này. Thị trưởng Bill de Blasio lại phản ứng một cách thiếu nhất quán, theo bình luận của New York Times.
Thế khó của thị trưởng New York
Tại một buổi họp báo ngày 31/5, ông de Blasio yêu cầu điều tra vụ việc nói trên, nhưng cũng cẩn thận giải thích hành động của cảnh sát, và nói tình thế đó là “do một nhóm người biểu tình chặn và vây quanh xe cảnh sát, một chiêu thức mà chúng ta đã thấy trong những ngày qua, có thể rất, rất nguy hiểm đối với mọi bên liên quan”.
Ông nói thêm: “Chúng ta đã thấy sự tấn công trực tiếp vào cảnh sát, bao gồm xe cảnh sát”.
Nhưng một số cố vấn cũ của ông đã lên tiếng chỉ trích ông trên Twitter, và trong các trao đổi riêng, theo báo New York Times.
Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, đại diện cho khu Queens và Bronx của New York, nói “việc bảo vệ và lấy lý do” cho cảnh sát là sai, và thị trưởng nên tìm cách giảm căng thẳng trong thành phố.
“Việc lái xe vào đám đông không bao giờ nên được coi là bình thường”, bà Ocasio-Cortez viết trên Twitter ngày 31/5.
Tính đến tối 31/5, hơn 786 người đã bị bắt giữ ở thành phố New York, theo cảnh sát. Sáng 31/5, cảnh sát nói 33 người của họ bị thương, và 47 xe cảnh sát bị hư hại hoặc phá hủy, nhiều xe bị phóng hỏa. Hơn chục cửa hàng ở phía nam Manhattan bị hôi của.
Phản ứng của ông de Blasio dường như muốn giữ cân bằng giữa việc ủng hộ cảnh sát, đồng thời thừa nhận về nạn bạo lực dưới tay cảnh sát, New York Times bình luận.
Phản ứng của ông de Blasio trong quá khứ
Khi chạy đua tranh chức thị trưởng năm 2013, ông de Blasio tuyên bố sẽ cải cách lực lượng cảnh sát, vốn đang bị lên án vì chính sách chặn và kiểm tra người khả nghi ngoài đường. Nhưng đến khi ông nhậm chức, chính sách “chặn và kiểm tra” ngoài đường đa phần đã được người tiền nhiệm Mike Bloomberg cho dừng do sức ép từ công luận.
Kể từ đó, ông de Blasio bị thử thách bởi hai cuộc khủng hoảng liên quan đến Sở Cảnh sát.
Mùa hè năm 2014, cảnh sát giết chết Eric Garner ở quận Staten Island trong quá trình bắt giữ anh vì bán thuốc lá lậu. Vụ việc được ghi lại trên camera, và những lời cuối cùng của Garner “tôi không thở được” trở thành khẩu hiệu của phong trào biểu tình khắp nước Mỹ sau đó.
Phản ứng của ông de Blasio khiến cảnh sát tức giận. Ông tỏ ra cảm thông với gia đình Garner, và cho con trai (da đen) của mình các lời khuyên khi gặp phải cảnh sát, đồng thời chia sẻ các nỗi lo riêng về sự an toàn của con trai mình.
Chưa đầy ba tuần sau, một người đàn ông muốn trả thù cho Eric Garner, đã bắn chết hai cảnh sát đang đi tuần, có tên Wenjian Liu và Rafael Ramos. Người đứng đầu công đoàn của cảnh sát thành phố New York đổ lỗi cho ông de Blasio. Tại đám tang của hai cảnh sát nói trên, hàng trăm sĩ quan quay lưng lại khi ông de Blasio phát biểu.
Sau đó, ông de Blasio phải xích lại gần hơn với cảnh sát. Ông từ chối sa thải viên cảnh sát liên quan đến cái chết của Eric Garner, khiến nhiều bên tức giận. Phải đến 5 năm sau, viên cảnh sát này, Daniel Pantaleo, mới bị sa thải sau khi một thẩm phán kết luận người này vi phạm quy trình của cảnh sát.
Phản ứng trong hiện tại
Sau cái chết của George Floyd vào tuần trước ở Minnesota, ông de Blasio nhanh chóng lên án, và nói cảnh sát liên quan phải bị truy tố. Nhưng khi biểu tình lan đến New York, ông lại phản ứng chậm hơn và không đưa ra kế hoạch cụ thể để làm giảm căng thẳng, theo New York Times.
Rachel Noerdlinger, cựu cố vấn của ông de Blasio, cảm thấy “thất vọng” sau buổi họp báo tối 30/5 của thị trưởng, và cho biết trong vụ Eric Garner năm 2014, cảnh sát không hành động mạnh tay với người biểu tình như cuối tuần qua.
Rebecca Kirszner Katz, một trong những cố vấn cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông de Blasio, nói “đây không phải những gì chúng tôi hứa hẹn vào năm 2013”.
Trong một tweet, bà viết: “Ngài thị trưởng cần phải ra trước ống kính ngay lập tức. Ông ấy nên nói với thành phố đang bị tổn thương này, từ tận đáy lòng. Ông phải buộc cảnh sát New York chịu trách nhiệm về các hành động của mình”.
Richard Buery Jr., cựu phó thị trưởng dưới quyền ông de Blasio, cho biết những phản ứng của ông de Blasio tập trung quá nhiều vào “những gì người biểu tình đang làm sai”.
“Khi một người hành hung cảnh sát, chắc chắn công lý sẽ được thực thi”, ông nói với New York Times. “Nhưng điều ngược lại không đúng, nếu một người da đen bị cảnh sát giết chết, không thể chắc chắn rằng viên cảnh sát đó sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Cựu giám đốc Sở Cảnh sát New York, William Bratton, dưới thời ông de Blasio, nói vẫn còn quá sớm để đánh giá phản ứng của ông de Blasio.
Ông Bratton nói thị trưởng đang ở thế khó khi phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm đại dịch, suy thoái kinh tế và sự bất trắc xung quanh cuộc bầu cử tổng thống.