Cảnh sát nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong phòng chống tội phạm

Sáng 25/5, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam'.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sắp diễn ra sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân. Chủ trì hội thảo gồm có PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; các Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Trung tướng Lê Quốc Hùng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Lực lượng cảnh sát nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của công an nhân dân Việt Nam; là lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

"Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng cảnh sát nhân dân luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của công an nhân dân với những trang sử cách mạng hào hùng của dân tộc", ông Nghĩa cho biết.

Các đại biểu chủ trì hội thảo

Các đại biểu chủ trì hội thảo

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, hội thảo khoa học này là dịp để nhìn lại những hy sinh, cống hiến, thành tích, sự trưởng thành của lực lượng cảnh sát nhân dân, đồng thời cũng là diễn đàn khoa học để thảo luận, rút ra những vấn đề lý luận và thực tiễn góp phần làm cơ sở cho Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng và ban hành các chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong mọi giai đoạn cách mạng, lực lượng cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trải qua chặng đường xây dựng và chiến đấu, từ một lực lượng nhỏ bé ban đầu, đến nay lực lượng cảnh sát nhân dân đã trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, trở thành một trong những lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu, làm nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, lực lượng cảnh sát nhân dân có những đóng góp quan trọng, hy sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan công an và tòa án. Ông cho rằng, cơ quan điều tra là nơi mở đầu các vụ việc, tòa án kết thúc. Ông cho rằng, pháp luật đặt ra yêu cầu giữa hai bên phải có sự phối hợp chặt chẽ, nếu không thì thành công không đến.

Ông Bình nhấn mạnh những thành tựu trong phối hợp giữa lực lượng cảnh sát và hệ thống tòa án. Cho rằng trong đấu tranh phòng chống tội phạm "đều có sự tham gia của lực lượng cảnh sát".

Nhiệm vụ của cảnh sát nhân dân trong tình hình mới

Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp các luận cứ khoa học, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, khẳng định bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng lực lượng cảnh sát nhân dân.

Theo ông Tỏ, thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, đã và đang xuất hiện các nguy cơ, thách thức mới đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Tình hình trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, vẫn là vấn đề gây bức xúc trong xã hội phải tập trung giải quyết.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Toàn cảnh buổi hội thảo

Trước tình hình đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng cảnh sát nhân dân rất nặng nề. Lực lượng cảnh sát nhân dân tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân dân, phát động các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm...

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm và trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa là chính kết hợp với liên tục, quyết liệt tấn công, truy quét tội phạm trên mọi địa bàn, lĩnh vực, ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Đặc biệt, cần phát huy vai trò của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân để phục vụ công tác quản lý xã hội và phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát nhân dân cần mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện có trách nhiệm các cam kết mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm, tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/canh-sat-nhan-dan-giu-vai-tro-nong-cot-trong-phong-chong-toi-pham-2023067.html