Cảnh sát Trung Quốc khám xét công ty Mỹ ở Thượng Hải
Cảnh sát Trung Quốc đã đến văn phòng Công ty tư vấn quản lý Mỹ Bain & Company tại Thượng Hải và thẩm vấn nhân viên ở đó.
Sáu nguồn tin tiết lộ với tờ Financial Times rằng cảnh sát Trung Quốc đã thực hiện cuộc khám xét bất ngờ hai tuần trước.
Cảnh sát đã lấy đi một số máy vi tính và điện thoại nhưng không bắt giữ bất kỳ nhân viên nào, theo hai người rành rẽ về vụ việc. Trong khi đó, ba nguồn tin cho biết cảnh sát đã nhiều lần đến các văn phòng công ty ở Thượng Hải.
Theo tờ Financial Times, hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao cảnh sát lại đến công ty tư vấn quản lý Mỹ Bain & Company. Cũng như không biết liệu có liên quan đến một trong những khách hàng của công ty này hay không.
Vụ việc xảy ra sau khi các nhà chức trách Trung Quốc vào ngày 24-3 khám xét văn phòng công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz Group (Mỹ) và bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc. Mintz cho biết đã đóng cửa hoạt động tại Bắc Kinh kể từ đó.
Sau khi Financial Times đưa tin, người phát ngôn của công ty Bain & Company tại Thượng Hải xác nhận cảnh sát Trung Quốc đã đến văn phòng của họ.
Hãng tin Reuters và Financial Times dẫn lời người phát ngôn của công ty Bain & Company hôm 26-4 cho biết: "Chúng tôi đang hợp tác phù hợp với chính quyền Trung Quốc. Tại thời điểm này, chúng tôi không có bình luận gì thêm".
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải chưa trả lời các yêu cầu bình luận. Đây là trường hợp mới nhất liên quan đến việc tăng cường giám sát các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng.
Hồi cuối tháng 3, Micron Technology (nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ) trở thành công ty chip nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc mở cuộc điều tra về an ninh mạng. Lý do Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đưa ra là để bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng do những sản phẩm có vấn đề.
Ngày 19-4, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận nước này đã áp thêm lệnh trừng phạt lên 2 nhà thầu quốc phòng của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon Missiles & Defense, một công ty con chuyên sản xuất tên lửa của tập đoàn Raytheon. Nhân viên cấp cao từ 2 công ty này bị cấm bị nhập cảnh, lưu trú và làm việc tại Trung Quốc.
Theo Financial Times, cuộc đột kích vào công ty Bain & Company tại Thượng Hải làm dấy lên mối lo ngại đối với các công ty Mỹ vốn lo lắng việc Bắc Kinh có thể trả đũa trước các biện pháp chống lại các công ty Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước bày tỏ lo ngại về điều mà bà mô tả là "sự gia tăng gần đây trong các hành động cưỡng chế nhắm vào các công ty Mỹ".
Trong khi đó, Bắc Kinh mới đây tố Washington đang dùng chiêu "cưỡng ép kinh tế" và "bắt nạt công nghệ" với Trung Quốc. Chính quyền của ông Biden được cho là đang xem xét một chương trình nhằm hạn chế một số khoản đầu tư nước ngoài của Mỹ có liên quan những công nghệ quan trọng tới an ninh quốc gia.
Bà Janet Yellen nói rằng chúng xuất phát từ lo ngại của Washington về vấn đề an ninh quốc gia và bảo vệ các giá trị của Mỹ trên thế giới. Trung Quốc vẫn khẳng định động thái trên của Mỹ là nhằm ngăn chặn con đường phát triển kinh tế của nước này.