Cánh sen ngày hạ
Văn hóa và Đời sống - Những lúc nắng lên nhìn những gánh sen ngày hạ vào phố lòng lại nhớ về những cánh sen hồng ở làng một thời sôi nổi khi ta chưa kịp lớn. Tuổi thơ hồn nhiên càng trở nên đẹp đẽ hơn mỗi khi ta ngoái nhìn lại bằng sự trân trọng, yêu thương.
(Ảnh minh họa)
Chiếc hồ sen là cả một vùng ký ức với nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng. Từ cuối mùa sen năm trước, khi những cơn gió heo may đem cái lạnh về, những cây sen chỉ còn lại những thân khô khẳng khiu, ấy chính là lúc củ sen bắt đầu ngâm mình ngủ trong bùn đất để phôi thai cho kiếp sau.
Ở làng, gần như nhà nào cũng có một chiếc thuyền nan. Nhà có điều kiện làm thuyền có bai chèo vừa dùng chở lúa mùa gặt vừa dùng để đánh cá. Những chiếc thuyền được làm cầu kỳ từ chọn tre đến chẻ nan, phơi, đan, lận, rồi hun lửa rơm cho đến khi nan ngả sang màu vàng rơm, là lúc dùng hắc ín phết lên thuyền. Một chiếc thuyền hoàn chỉnh mất nhiều công đoạn nhưng dùng được nhiều năm. Mẹ còn dùng thuyền nan để đi hái sen trong những ngày hạ rồi đem ra chợ bán.
Nhiều hôm mẹ chèo thuyền vào hồ sen từ khi trời còn chưa sáng hẳn, chắt từng giọt sương đọng trên lá đem về nhà để bố pha trà. Lũ trẻ chúng tôi chưa đến tuổi uống trà nhưng nhìn cái cách mà người lớn uống trà thì có vẻ như nó rất ngon.
Bố bảo để có ấm trà ngon thì nước pha trà rất quan trọng, chắt được nước sương buổi sớm trên lá sen là ngon nhất, không thì cũng phải là nước mưa ngấu. Đó là thứ nước tích trữ trong bể âm dưới lòng đất đến khi thanh thải hết độc tố mới dùng.
(Ảnh minh họa)
Trên chiếc hồ của làng sen mọc nhiều không kể xiết, được hợp tác xã phân lô giao cho từng hộ quản lý. Sen không phải trồng mỗi vụ nhưng phải trông giữ để củ sen không bị đánh cắp, nên bố thường thắp chiếc đèn ve chai đi quanh bờ ao mấy vòng vào buổi tối đánh tiếng với người gian đừng bén mảng đến. Trong hồ sen, hợp tác xã còn thả cá và mỗi năm bắt một lần chia theo đầu nhân khẩu. Chiếc hồ sen vừa mang đến giá trị kinh tế cũng là một chiếc máy điều hòa, tiêu thủy của làng. Xung quanh chiếc hồ sen có rất nhiều câu chuyện liên quan đến hồn làng, đất làng, người làng, gắn với những đứa trẻ sinh ra, lớn lên và ra đi...
Chừng qua giêng, sen vươn lên mặt nước và đan tay, khép tán vào cuối tháng tư. Những cây sen lá rộng ken kín mặt hồ như một tấm thảm xanh. Nhiều người trong làng chọn bờ hồ để gặp nhau vào mỗi buổi trưa hè để nói chuyện nông vụ, chuyện làng xã, lũ trẻ quanh quẩn đế thêm vào những câu chuyện trẻ con. Nhưng đáng nói nhất vẫn là cuối tháng năm, đầu tháng sáu sen nở rộ, những sắc hồng vươn lên trên tán lá xanh để đón một mùa hè thật sự.
(Ảnh minh họa)
Có lần tôi đánh liều rủ mấy đứa trong xóm đưa chiếc thuyền nan ra hồ sen để chứng tỏ mình đã lớn. Sau khi hì hụi thả được chiếc thuyền xuống hồ, đứa nào cũng giành phần chèo khiến chiếc thuyền chao đảo và lật úp làm chúng tôi hốt hoảng, bơi tán loạn. Khi mà thần hồn còn nát thần tính là lúc được một cánh tay đưa ra ý nói tôi bám vào thuyền. Đó là chiếc thuyền lá tre chỉ vừa một người ngồi không gắn bai chèo, muốn di chuyển chủ yếu dùng tay để khoát xuống nước điều hướng đi. Những chiếc thuyền như thế sẽ dễ luồn lách trong chiếc ao sen.
Đến hôm sau thì tôi biết nhiều hơn về con bé ấy. Nhà nó ở làng bên kia hồ sen. Dù nó phải bỏ học sớm để làm việc hàng ngày khiến nước da có phần đen đúa, nhưng đôi mắt thì trong veo.
Tôi không giống những đứa trẻ ở làng thường kinh nó. Có lần chúng tuyên bố không cho tôi nhập hội nữa nếu tiếp tục chơi với con bé. Tôi nhận rõ một sự bất công nhưng không thể làm gì khác. Trẻ con ở làng có những thứ luật lệ rất hà khắc. Từng có đứa vi phạm bị cô lập và xua đuổi. Tôi không muốn bị như thế, nhưng cũng không đủ sức để bảo vệ lẽ phải. Tôi chỉ có thể gặp nó ở ngay dưới hồ sen để những chiếc lá sen ngụy trang cho chúng tôi bên nhau.
(Ảnh minh họa)
Có lần tôi kiếm cớ mượn những cánh sen hồng xâu lại thành chuỗi đeo vào cổ nó như một thứ trang sức và ngắt lá sen khum lại đội lên đầu. Tôi tin nó sẽ cảm động mà nhận những lời tôi định nói ra, nhưng tiếc là trong lúc bối rối tôi lại quên khuấy đi mất. Chúng tôi lặng lẽ ngồi trên chiếc thuyền lá tre nhìn lên bầu trời qua những kẽ lá sen. Một bầu trời quá yên bình với những giọt nắng hạ không hề nóng rát.
Tôi cứ mong điều đó kéo dài mãi cho đến tận khi trên bờ ồn ào lên tiếng quát của người lớn. Người bố nghiện ngập đã đi tìm nó về nhà với đống công việc nặng nhọc quen thuộc. Nó chèo thuyền trả tôi vào bờ rồi vội vã về nhà. Tôi không gặp lại nó nữa từ sau hôm ấy. Nó xấu hổ vì có một người bố đã nói ra những lời quá đáng. Nó cũng biết hoàn cảnh của nó không giống tôi. Năm sau nữa thì tôi đi học trường huyện và phải trọ lại, còn nó theo gia đình chuyển vào vùng kinh tế mới tỉnh Sông Bé, chúng tôi chính thức bặt tin nhau.
(Ảnh minh họa)
Những năm tháng học đại học mỗi khi nghỉ hè tôi thường ngồi lỳ ở bờ chiếc hồ sen của làng như kẻ tự kỷ. Chiếc hồ sau bao năm tôi đi xa trở về đã thấy nó nhỏ bé đi rất nhiều so với tầm hiểu biết và sự trải nghiệm của mình. Nhưng hơn tất cả, ở đó vẫn là một vùng trời ký ức đẹp đẽ, có những điều được giữ kín suốt bao năm.
Lần gần nhất về làng hỏi về chiếc hồ sen thì biết nó đã bị lấp để chia lô đấu giá. Làng đô thị hóa, những chiếc hồ sen có đẹp đẽ đến mấy thì cũng phải nhường chỗ cho công năng khác thiết thực hơn. Vậy là ký ức đẹp đẽ về chiếc hồ sen sẽ mãi mãi chìm sâu trong đất, giống như con bé biền biệt xa, không một dòng tin.
Những lúc nắng lên nhìn những gánh sen ngày hạ vào phố lòng lại nhớ về những cánh sen hồng ở làng một thời sôi nổi khi ta chưa kịp lớn. Tuổi thơ hồn nhiên càng trở nên đẹp đẽ hơn mỗi khi ta ngoái nhìn lại bằng sự trân trọng, yêu thương.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/canh-sen-ngay-ha/19368.htm