Canh tác trên cánh đồng rộng chục héc ta, nông dân không có nhà vệ sinh

Dư địa phát triển nông nghiệp tại TP.HCM lớn nhưng việc xây dựng công trình phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp như nhà kho, nhà màn, nhà vệ sinh... gặp khó.

Ngày 31/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC); Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền thành phố".

Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu lên bất cập trong cấp phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM.

Ông Tăng Trí Hưng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM (huyện Củ Chi) cho biết, công ty có khoảng 3.300 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty mong muốn xây kho chứa vật tư nông nghiệp; nhà vệ sinh phục vụ người lao động nhưng quy định lại không cho phép. Các đơn vị sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin phép địa phương.

Vị này dẫn chứng, một trại bò có diện tích lớn 10-20 ha nhưng không có công trình phụ trợ thì không biết trữ vật tư, nguyên liệu sản xuất ở đâu; người lao động đi làm không có nhà vệ sinh.

"Diện tích hàng chục ha như vậy, nếu mưa gió thì công nhân trong nông trại chạy đi đâu để trú mưa hay sấm sét. Công ty chỉ muốn làm công trình nhà cấp 4 để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp mà không được", ông nói.

Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp nông nghiệp và chính quyền TP.HCM sáng 31/8. (Ảnh: ITPC)

Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp nông nghiệp và chính quyền TP.HCM sáng 31/8. (Ảnh: ITPC)

Tương tự, đại diện Trung tâm Hữu cơ tự nhiên và lân thiên nhân (huyện Hóc Môn) cho hay, việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp rất khó khăn. Nông dân không có chỗ sinh hoạt trong quá trình đi làm nông nghiệp.

Giải đáp thắc mắc của các đơn vị, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM), ông Tống Đức Tiến cho biết, trong đất nông nghiệp nói chung thì chỉ có "đất nông nghiệp khác" mới là nhóm đất được phép xây dựng các công trình như nhà màn, nhà lưới... Nếu diện tích đất không thuộc nhóm đất nông nghiệp khác thì không được phép xây dựng.

Ví dụ, một hộ dân có 1.000m2 đất nông nghiệp, muốn xây dựng 50m2 (mật độ xây dựng không quá 5% tổng diện tích đất) làm nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, phân bón.

Tuy nhiên, hộ dân đó không thể chuyển đổi mục đích sử dụng của 50m2 đó sang đất nông nghiệp khác được. Bởi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là chuyển đổi cho tổng thể, phải theo kế hoạch sử dụng của cả khu đất. Đây chính là vướng mắc, khó khăn lớn nhất.

Vừa qua, TP.HCM có chủ trương thực hiện thí điểm, cho xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, để các hộ gia đình nông dân sử dụng trong qua trình sản xuất nông nghiệp. Đây là các công trình phụ trợ như nhà màn, nhà lưới, nhà kính...

Cũng theo ông Tiến, qua thí điểm, thành phố muốn xem nhu cầu thực tế của nông dân, người sử dụng đất nông nghiệp, từ đó, đề xuất Trung ương có chính sách phù hợp, bởi rất cần công trình phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chủ trương của thành phố đã bị Bộ Tư pháp có văn bản nhắc nhở, do không phù hợp quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thừa nhận, xây dựng trên đất nông nghiệp là vấn đề có nhiều khó khăn. TP.HCM có khoảng 100.000 ha đất nông nghiệp thì diện tích đất đủ điều kiện để xây dựng (đất nông nghiệp khác) chỉ chiếm chưa đến 1%. Diện tích này phải tăng lên 10% mới đảm bảo dư địa phát triển cho ngành nông nghiệp thành phố.

Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo, thu về 3,4 tỷ USD, không bằng Indonesia xuất khẩu yến thu về 4 tỷ USD. Trong khi, chỉ riêng huyện Cần Giờ với 40.000ha rừng ngập mặn - rất tiềm năng để xuất khẩu yến giá trị tương đương nước bạn. Nhưng muốn làm được, phải có quy hoạch đất nông nghiệp khác để xây dựng nhà xưởng, nhà lưới hay nhà yến... phục vụ sản xuất, theo ông Phú.

Hội nghị thành phố chỉ đạo nhưng không thấy "bóng dáng" lãnh đạo địa phương tới dự

Cuối hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú đánh giá, thành phần tham dự sự kiện không thấy đại diện lãnh đạo các quận/huyện. Trong khi, các doanh nghiệp, hợp tác xã nêu ý kiến, vướng mắc rất nhiều từ phía địa bàn.

"Bản thân chúng tôi từng làm ở các quận/huyện đi lên. Một chủ trương mà sở, ngành ủng hộ bao nhiêu nhưng quận/huyện hay xã/phường lắc đầu thì cũng đành chịu", ông nói và cho biết hội nghị đã có giấy mời gửi tới lãnh đạo các quận/huyện tham dự.

Do đó, nếu địa phương nào vắng mặt, lãnh đạo Sở NN-PTNT sẽ lập biên bản, gửi báo cáo lên UBND TP.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/canh-tac-tren-canh-dong-rong-chuc-hec-ta-nong-dan-khong-co-nha-ve-sinh-2184082.html