Sau thảm họa động đất ở Afghanistan, người dân khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích trong đống đổ nát. Ảnh: Pakistan Today.
Vào lúc màn đêm buông xuống tại làng Sarboland, huyện Zinda Jan, tỉnh Herat, hàng chục ngôi nhà bị san phẳng gần tâm chấn của trận động đất. Nhiều người đàn ông phải dùng xẻng đào từ đống gạch vụn, trong khi phụ nữ và trẻ em chờ đợi ngoài trời, bên cạnh là ngôi nhà không còn gì.
Ông Nek Mohammad, cư dân làng Sarboland, Afghanistan, nói: "Chúng tôi lao về đến nhà và thấy chẳng còn gì cả. Mọi thứ đã biến thành cát. Chúng tôi bắt đầu làm việc với xẻng và bất cứ thứ gì chúng tôi có để đưa phụ nữ và trẻ em ra khỏi đống đổ nát. Có 20 đến 30 người thiệt mạng”.
Ông Jan Mohammad, sống ở làng Sarboland, cho biết: "Ở nhà nào cũng có vài người thương vong. Gia đình tôi cũng có một người chết, đó là con gái tôi và một người khác bị thương. Số người chết và số người bị thương thực sự không đếm được".
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), có tới 7 trận động đất liên tiếp xảy ra hôm 7/10 xảy ra ở khu vực cách thành phố Herat (thuộc tỉnh Herat, Afghanistan) 35 km về phía tây bắc đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Lớn nhất trong số 7 trận động đất này là các trận có cường độ 6,3, 5,9 và 5,5 độ richter, với dư chấn cũng được cảm nhận ở các tỉnh Badghis và Farah lân cận.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Zanda Jan (tỉnh Herat), nơi 13 ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn. Được biết, đây là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất tấn công đất nước này trong hai thập kỷ vừa qua.
Phát ngôn viên của cơ quan thảm họa quốc gia Afghanista, ông Mullah Jan Sayeq cho biết, hiện có 2.053 người thiệt mạng, 9.240 người bị thương cùng 1.320 ngôi nhà bị hư hại do trận động đất gây ra.
Người dân Afghanistan vốn rất khó khăn nhưng thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, đặc biệt là ở dãy núi Hindu Kush, nằm gần điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Á - Âu và Ấn Độ.
Những hình ảnh trên truyền thông cho thấy những ngôi nhà tại đây đều đã bị phá hủy hoàn toàn và trở thành một đống đổ nát. Rất nhiều người dân còn sống sót dựng lều tạm để đảm bảo an toàn. Ảnh: EPA, IT.
Thảo Nguyên (TH)