'Cánh tay nối dài' đắc lực

Suốt 15 năm đứng chân trên miền đất khó, Ðoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) luôn chọn cách dựa vào dân, đặc biệt là dựa vào đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn và người có uy tín. Họ được xem như 'cánh tay nối dài' đắc lực hỗ trợ Ðoàn KTQP thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn Khu KTQP Bắc Lâm Ðồng.

Đại diện lãnh đạo Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, Đoàn KTQP và 30 chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn Khu KTQP Bắc Lâm Đồng trong buổi gặp mặt năm 2019. Ảnh: H.My

Đại diện lãnh đạo Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, Đoàn KTQP và 30 chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn Khu KTQP Bắc Lâm Đồng trong buổi gặp mặt năm 2019. Ảnh: H.My

Gây dựng lòng tin trong Nhân dân

Khu KTQP Bắc Lâm Đồng nằm trên 11 xã thuộc 3 huyện Di Linh, Lâm Hà và Đam Rông, với dân số gần 75.000 nhân khẩu. Trong đó có 3 tôn giáo chính là Tin lành, Công giáo và Phật giáo. Đoàn KTQP vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phối hợp với chính quyền địa phương từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng dự án. Ngay từ những ngày đầu đứng chân trên địa bàn, Đoàn KTQP đã chú trọng tới việc thực hiện công tác dân vận thông qua những việc làm cụ thể, gây dựng lòng tin trong Nhân dân nói chung và đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín nói riêng.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Đình - Chính trị viên Đoàn KTQP: Nhiều năm qua, Đoàn đã tích cực triển khai các chương trình phát triển kinh tế làm nòng cốt hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, từ năm 2005 đến cuối năm 2018, Đoàn KTQP đã hỗ trợ bà con 5 công trình điện với trên 12.000 m dây trung thế một pha, trên 10.000 m đường dây hạ thế hỗn hợp, gần 4.000 m đường dây hạ thế độc lập và 8 trạm biến áp 75 KVA phục vụ sản xuất cho 1.000 hộ dân trong khu vực Đoàn KTQP. Riêng những tháng đầu năm 2019, Đoàn KTQP đã mở lớp dạy tiếng K’Ho cho cán bộ trên địa bàn; phối hợp với Ban Chỉ đạo 502, Công an huyện, Ban CHQS huyện Đam Rông tổ chức 3 đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 600 lượt người tại Tiểu khu 181 xã Liêng Srônh; Thôn 3, xã Rô Men và thôn Đưng Glê, xã Phi Liêng. Tham gia đổ sân xi măng, làm nhà vệ sinh cho bà con ở Đưng Glê với tổng kinh phí 75 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương tại huyện Lâm Hà với kinh phí 50 triệu đồng. Nghiệm thu bảo hành công trình xây dựng tuyến đường nối QL27 với QL28, cầu Thác Nếp, tuyến đường nối xã Đạ K’Nàng với xã Phúc Thọ và đang thi công tuyến đương giao thông từ Làng Hai đi xã Phúc Thọ dài 3,8 km, với tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng...

Những việc làm cụ thể trên và những tháng ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con của Đoàn KTQP đã nhận được niềm tin và sự ủng hộ từ chính đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Tiếng nói và sự uy tín của họ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận và chung tay của người dân để cùng cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ phát triển địa phương.

Cầu nối quan trọng

Thực tế cho thấy, ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như khu vực Bắc Lâm Đồng, vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín vô cùng quan trọng. Họ nắm chắc, nắm rõ từng địa bàn. Tiếng nói của họ có uy tín rất lớn trong cộng đồng các dân tộc. Còn chức sắc, chức việc là người đứng đầu, có uy tín trong đồng bào có đạo. Nên cả việc “đạo”, việc “đời” chức sắc, chức việc tôn giáo đều ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và hành động của bà con có đạo. Bởi vậy đội ngũ già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo chính là chỗ dựa, là “cầu nối” quan trọng cho Đoàn KTQP và lãnh đạo địa phương trong vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chiến lược phát triển của địa phương.

Linh mục Nguyễn Văn Gioan - Chánh xứ Giáo xứ Đạ Tông, khẳng định: “Những năm qua, Đoàn KTQP đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước làm thay đổi bộ mặt KT-XH địa phương. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Những việc làm đó đã có được niềm tin của Nhân dân nên giáo xứ luôn đồng hành với Đoàn KTQP để vận động bà con chung sức thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, tuyên truyền để nhiều thanh niên công giáo hàng năm hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Còn Mục sư Cil Ha Juon (thôn Đạ Mul, xã Đạ K’Nàng) cũng đã ghi nhận những nỗ lực rất lớn từ Đoàn KTQP nhiều năm qua trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh, đầu tư cơ sở hạ tầng của Đạ Mul nói riêng và xã Đạ K’Nàng nói chung, đã giúp địa bàn khó khăn này có nhiều động lực để phát triển. Bởi thế giáo xứ đã tuyên truyền để người dân hiến đất, góp công cùng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ông Mùa Pừ Sử - người uy tín thôn Đưng Glê, xã Phi Liêng đã bày tỏ sự cảm kích không chỉ của riêng ông mà của cộng đồng người Mông, người Dao... khi bà con từ các tỉnh khu vực Tây Bắc di cư tự do vào Lâm Đồng nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đoàn KTQP. Nhà cửa, điện, đường, trường học ở Đưng Glê ngày càng hoàn thiện. Đời sống bà con ở Đưng Glê được nâng cao một phần lớn nhờ sự giúp đỡ của Đoàn KTQP. Bởi vậy, những người già của các thôn, buôn như ông không ngại ngần chung sức hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP thực hiện nhiệm vụ. Vì suy cho cùng tất cả đều hướng đến mục đích chăm lo, phát triển đời sống bà con.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ và đồng hành suốt những năm qua của đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín được xem như “vốn quý” của Ðoàn KTQP.

Thượng tá Hoàng Văn Đình khẳng định: “Sự đóng góp rất lớn của các chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn đã giúp đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Quân khu, Bộ Quốc phòng giao phó. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Việc gây dựng niềm tin, tranh thủ sự ủng hộ từ những “cầu nối” này ngày một vững chắc là mục tiêu của Đoàn KTQP. Theo đó, hàng năm, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín nhằm thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đoàn và người có uy tín, chức sắc tôn giáo. Đây là một trong những cách làm được Quân khu 7 đánh giá cao.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông khẳng định: “Mối quan hệ khăng khít của Đoàn KTQP và đội ngũ người có uy tín, chức sắc tôn giáo trên địa bàn đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các nhiệm vụ. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiếp tục phát huy vai trò, vị trí và kinh nghiệm để trở thành “cánh tay nối dài” đắc lực của cả chính quyền địa phương và Đoàn KTQP trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn Bắc Lâm Đồng này”.

HOÀNG MY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201909/canh-tay-noi-dai-dac-luc-2964443/