Cạnh tranh kinh tế trong toàn cầu hóa và hàm ý cho Việt Nam
Ngày 8-4-2024, Thủ tướng Singapore có bài phát biểu trước quốc hội nước này, gây rúng động thế giới(1). Theo đó, ông Lawrence Wong gửi thông điệp đến người dân Singapore rằng 'kỷ nguyên toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do đã kết thúc và Singapore cần hành động'. Tại sao chủ đề 'toàn cầu hóa (globalization)' lại thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến như vậy?

Phải chăng toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược bất chấp những thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ?
Toàn cầu hóa hiểu đơn giản là hoạt động kết nối các nền kinh tế giữa các quốc gia với nhau. Quá trình này tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua luồng di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và con người. Trong nhiều thập niên qua, toàn cầu hóa là xu thế chủ đạo định hình cục diện kinh tế thế giới, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo dữ liệu, giá trị xuất khẩu toàn cầu đã tăng từ khoảng 318 tỉ đô la Mỹ năm 1970 lên 17.600 tỉ đô la Mỹ năm 2020(2) (tăng hơn 55 lần). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cũng tăng từ 18.200 tỉ đô la năm 1970 lên 90.800 tỉ đô la năm 2022(3), phản ánh sự mở rộng mạnh mẽ của thương mại và đầu tư quốc tế. Trong suốt tám thập niên, hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở với các thiết chế kinh tế (bao gồm Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) do Mỹ làm trụ cột dẫn dắt đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa bằng cách giảm rào cản thương mại và hài hòa các quy định.
Toàn cầu hóa và thương mại tự do toàn cầu mang lại lợi ích (to lớn) cho các quốc gia. Singapore là một quốc gia đang phát triển vào năm 1965. Nhờ vào toàn cầu hóa, quốc gia này đã chuyển mình thành nền kinh tế thu nhập cao với GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 1976-2023 của nước này là 6,6% mỗi năm(4), nhờ chiến lược hội nhập kinh tế và đầu tư vào nguồn nhân lực. Còn với Trung Quốc, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào năm 1978 với GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/68 của Mỹ, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (siêu cường thế giới). GDP của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu, khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu(5).

Tuy nhiên mọi thứ giờ đã thay đổi, và toàn cầu hóa hiện đang đối mặt với các thách thức đáng kể do xu hướng bảo hộ gia tăng. Chủ nghĩa bảo hộ, với các biện pháp như tăng thuế quan, hạn chế nhập khẩu và trợ cấp trong nước, đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia. Đầu tiên là việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-1-2020. Quyết định này đã làm gián đoạn thương mại giữa Anh và EU.
Tiếp theo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018 và làm gia tăng các rào cản thương mại. Gần đây nhất, đầu tháng 4-2025, chính sách thuế quan với mức thuế đối ứng chưa từng có của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã gây sốc toàn thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Peterson về kinh tế quốc tế (PIIE), mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc tăng từ 19,3% năm 2020 lên 145% năm 2025, trong khi Trung Quốc áp thuế trả đũa tăng từ 20,7% lên 125% đối với hàng hóa Mỹ(6).
Chủ nghĩa bảo hộ được coi là đi ngược với toàn cầu hóa và tự do thương mại toàn cầu. Mỹ và một số ít quốc gia đã lựa chọn “từ chối” chính hệ thống thương mại mà mình xây dựng thay vì “sửa chữa hoặc cải tổ” nó(1). Điều này gây tổn hại không chỉ đến lợi ích kinh tế toàn cầu mà còn đến niềm tin chiến lược vào hệ thống thương mại cởi mở dựa vào luật lệ quốc tế. Các quốc gia như Singapore, Canada, Thụy Sỹ gần đây đã tuyên bố sẵn sàng liên kết và hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng mà không phải là Mỹ để tiếp tục duy trì toàn cầu hóa và thương mại tự do nội khối (ví dụ khối ASEAN).
Bên cạnh đó, bảng 1 cho thấy tỷ lệ hàng nhập khẩu đóng góp vào sản xuất (cầu trung gian và tích lũy gộp) của các quốc gia khá cao, ví dụ đối với Việt Nam là khoảng 90%, Trung Quốc 86%, Mỹ 52% và Singapore 64%. Điều này cho thấy sản xuất của các quốc gia phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu, phần nào cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là rất lớn. Như vậy, phải chăng toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược bất chấp những thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ của ai đó?
Toàn cầu hóa và Việt Nam
Đối với Việt Nam, trước năm 2007, thương mại quốc tế của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu dựa vào xuất khẩu nông sản và nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Quy mô thương mại còn nhỏ và chưa đa dạng về mặt hàng cũng như thị trường. Tuy nhiên kể từ giai đoạn sau gia nhập WTO (năm 2007 đến nay), hoạt động thương mại của Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc trong mở rộng thị trường và tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Sau tám năm gia nhập WTO, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 3,3 lần. Đến năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỉ đô la. Năm 2024, con số này đạt khoảng 786,29 tỉ đô la(7). Chỉ số toàn cầu hóa về kinh tế của Việt Nam tăng nhanh từ khoảng 20 điểm năm 1970 lên 40 điểm năm 1995 và gần 60 điểm năm 2020 (hình 1). Việt Nam tích cực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại với các đối tác trên thế giới.
Tính đến tháng 10-2024 Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA và có quan hệ thương mại song phương với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ(8). Việt Nam dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong các ngành điện tử và công nghệ cao.
Sự hội nhập sâu rộng vào các FTA và thu hút đầu tư nước ngoài đã biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất toàn cầu trong các lĩnh vực như điện tử và dệt may. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp I.O cho thấy phần nào toàn cầu hóa đem lại rất ít giá trị cho Việt Nam(9). Điều này phản ánh một thực tế là Việt Nam chỉ là một “nền kinh tế gia công, lắp ráp” có giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ những phân tích/mô tả ở trên, có thể nhận thấy. Thứ nhất, toàn cầu hóa giúp các quốc gia giàu có hơn và góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới từ đơn cực sang đa cực (thêm siêu cường xuất hiện). Thứ hai, chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí chiến tranh thương mại giữa các siêu cường đang làm xói mòn niềm tin và tổn hại lợi ích kinh tế toàn cầu nhưng xu thế toàn cầu hóa và tự do thương mại không dừng lại mà vẫn tiếp tục. Thứ ba, Việt Nam dường như chưa tận dụng hiệu quả của toàn cầu hóa và thương mại tự do trong phát triển kinh tế.
Những luận điểm này gợi mở bốn hàm ý chính sách quan trọng cho Việt Nam để thực sự chủ động hội nhập hiệu quả vào kinh tế quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế trong toàn cầu hóa, bao gồm: (1) Tăng cường niềm tin/lòng tin chiến lược quốc tế, đa dạng hóa hợp tác quốc tế, tiếp tục cải cách thể chế kinh tế (theo hướng chính sách trọng cung), đặc biệt là thể chế kinh tế tư nhân; (2) Nghiên cứu phát huy sức mạnh văn hóa và các lợi thế/nguồn lực có thế mạnh trong hợp tác kinh tế quốc tế; (3) Xây dựng nền kinh tế tự cường, bao gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, làm chủ tiến tới phát triển công nghệ cốt lõi; (4) Thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
(*) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
(**) Viện Quản trị và Công nghệ FSB - Trường Đại học FPT
Tài liệu tham khảo:
(1) https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=rmJrxIdEqHY (accessed May 4, 2025).
(2) Statista, Trends in global export value of trade in goods from 1950 to 2022, Statista.Com. (2025). https://www.statista.com/statistics/264682/worldwide-export-volume-in-the-trade-since-1950/ (accessed May 4, 2025).
(3) Worldometer, Global GDP, Worldometers.Info. (2025). https://www.worldometers.info/gdp/ (accessed May 4, 2025).
(4) CEIC, Singapore Real GDP Growth, Ceicdata.Com. (2025). https://www.ceicdata.com/en/indicator/singapore/real-gdp-growth (accessed May 4, 2025).
(5) Nguyễn Phương, Trung Quốc tiếp tục là “chìa khóa” quan trọng của thương mại toàn cầu, Kinhtedothi.vn. (2024). https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-tiep-tuc-la-chia-khoa-quan-trong-cua-thuong-mai-toan-cau.html (accessed May 4, 2025).
(6) Anniek Bao, China strikes back with 125% tariffs on U.S. goods as trade war intensifies, Cnbc.com. (2025). https://www.cnbc.com/2025/04/11/china-strikes-back-with-125percent-tariffs-on-us-goods-starting-april-12.html.
(7) Phan Trang, Xuất nhập khẩu năm 2024 “cán mốc” 786 tỷ USD, Chinhphu.vn. (2025). https://baochinhphu.vn/xuat-nhap-khau-nam-2024-can-moc-786-ty-usd-102250106141936953.htm.
(8) VCCI, Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 10/2024, Trungtamwto.Vn. (2025). https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018 (accessed May 4, 2025).
(9) Hoàng Hạnh, Nên nghĩ nhiều hơn về chính sách ‘trọng cung,’ Thesaigontimes.vn. (2024). https://thesaigontimes.vn/ts-bui-trinh-nen-nghi-nhieu-hon-ve-chinh-sach-trong-cung/ (accessed May 4, 2025).