Cạnh tranh Mỹ - Trung
Khi cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng nghiêm trọng thì cũng là lúc sức ép chọn bên dồn lên những quốc gia xung quanh họ.
Một liên minh chống Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Anh gần đây đã không ngần ngại lên tiếng kêu gọi các nước đồng minh và đối tác liên thủ để cùng Mỹ tạo lập một liên minh chống Trung Quốc. Lời kêu gọi này diễn ra không lâu sau bài phát biểu của chính ông Pompeo tại thư viện Nixon, nơi mà ông tuyên bố đã đến lúc nước Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc, chấm dứt hơn 40 năm quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia bên bờ Thái Bình Dương này.
Những phát biểu mạnh mẽ, đanh thép của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Mỹ - Trung cũng liên tiếp có những diễn biến mới phức tạp. Sau sự kiện Mỹ yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Boston, ra lệnh bắt những công dân Trung Quốc làm gián điệp trốn trong một lãnh sự quán khác ở Chicago thì cuộc đối đầu Mỹ Trung đã bước ra khỏi địa hạt của một cuộc cạnh tranh kinh tế bình thường.
Cùng với đó là những quan điểm xung khắc về những vấn đề nóng ở Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông hay Đài Loan càng đào sâu bất đồng giữa hai bên. Khác với vấn đề kinh tế, những vấn đề này nằm ở giá trị cốt lõi của mỗi nước nên gần như không thể mang ra để thỏa hiệp được. Một cuộc đối đầu toàn diện giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đã ngày càng lộ rõ, một cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0" đã bắt đầu.
Việc lôi kéo Anh vào cuộc chiến chống lại Trung Quốc là nước đầu tiên của chính quyền Mỹ nhằm tạo lập một liên minh xung quanh mình. Nước Mỹ có lợi thế với những quốc gia đồng minh gắn bó lâu dài, giờ là lúc họ cần siết lại sự gắn kết đó để tạo thêm nhiều mặt trận cho cuộc chiến mà họ đang muốn phát động. Cặp bài trùng Mỹ - Anh luôn giữ mối quan hệ gắn bó lâu nay, việc Anh chính thức rời EU càng khiến cho quốc đảo này bám chặt hơn vào Mỹ trong những quyết sách đối ngoại. Canada và Australia cũng đã nhanh chóng xuất hiện và dự đoán sẽ còn nhiều quốc gia tham gia vào liên minh này.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tuy không có được một liên minh gắn kết như Mỹ nhưng sự ủng hộ mà họ dành cho một loạt quốc gia không thân thiện với nước Mỹ trong thời gian dài đã kéo về phía họ những đồng minh đáng chú ý. Thế nhưng, lựa chọn việc đứng về phía bên nào liệu có dễ dàng.
Lựa chọn khó khăn
Nước Mỹ, với vị trí trung tâm của nền chính trị thế giới trong nhiều thập niên đã duy trì được những hệ thống đồng minh đối tác lớn khắp thế giới. Ngoài Anh, Canada, Australia thì EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... cũng đều là những đồng minh thân cận của Mỹ trong nhiều thập niên. Sự gắn kết này đã từng đủ mạnh để đưa Mỹ vượt qua Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài tới cuối thế kỷ 20. Nhưng trong cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0" lần này với Trung Quốc, liên minh đó sẽ khó có thể duy trì được sự gắn kết như trước.
EU đang cảm thấy họ bị phản bội khi nước Mỹ quay lưng lại với các đồng minh của mình. Đang được dẫn dắt bởi Đức và Pháp, những quốc gia có mối quan hệ tương đối tốt đẹp với Trung Quốc và luôn muốn xây dựng một EU tự chủ đã khiến EU ngày càng độc lập hơn với Mỹ trong chính sách đối ngoại của mình. Khi tiếp nhận chức Chủ tịch EU hồi đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh đến việc xây dựng "mối quan hệ chiến lược" giữa châu Âu và Trung Quốc.
Dù phản đối việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong nhưng EU vẫn không có bất kỳ thảo luận nào về việc trừng phạt quốc gia này. Các thành viên EU hiện vẫn chưa đạt được sự nhất trí về một lập trường chung với Trung Quốc thế nên thật khó để hy vọng vào sự sát cánh của EU bên cạnh Mỹ vào lúc này.
Hàn Quốc, Nhật Bản thì mắc kẹt giữa một bên là đồng minh quân sự quan trọng và một bên là đối tác thương mại lớn nhất. Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về việc Hàn Quốc vẫn sử dụng công nghệ của Huawei cũng như những vấn đề liên quan đến chi phí đồn trú của 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc. Nhật Bản đang thúc đẩy mạnh mẽ việc di dời các công ty khỏi Trung Quốc nhưng chắc chắn trong nhiều năm tới, thị trường 1,4 tỷ dân này vẫn chiếm tỷ trọng số 1 đối với nền kinh tế của họ.
Ấn Độ đã cố gắng cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ nhưng đại dịch COVID-19 và cuộc đụng độ biên giới hồi cuối tháng 6 khiến tâm lý chống Trung Quốc tại nước này trở nên mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi nhằm tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ sau đó đã cấm ứng dụng chia sẻ video Tik Tok cũng như một số phần mềm khác của các công ty Trung Quốc. Đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để Mỹ xây dựng lại mối quan hệ với đất nước 1,3 tỷ dân này.
Các quốc gia Đông Nam Á sẽ thực sự khó khăn khi trở nên quá nhỏ bé so với hai "ông lớn". Nhiều nước trong khu vực từng là đồng mình của Mỹ nhưng họ đều thiếu những cam kết an ninh đáng tin cậy cũng như sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào Trung Quốc khiến cho các quốc gia trong khu vực rơi vào thế chông chênh giữa các sự lựa chọn. Đây cũng là tình thế chung của nhiều quốc gia khi buộc phải đưa ra quyết định chiến lược của mình trước sức ép của cả hai bên.
Sự mong manh của một liên minh
Những quốc gia thuộc liên hiệp Anh là những đồng minh có cam kết mạnh mẽ nhất với Mỹ trong một liên minh đang hình thành. Nhưng, ngay cả như thế thì sự tồn tại của một liên minh như vậy cũng đứng trước rất nhiều thử thách.
Có ý kiến cho rằng, những động thái mạnh mẽ gần đây của chính quyền Mỹ nhằm vào Trung Quốc chỉ là lá bài chính trị để giúp ông Donald Trump giành lợi thế trong cuộc đua ở lại Nhà Trắng sắp tới. Thực tế, ông Trump cũng thường xuyên thay đổi chính sách và không ít lần đã làm tổn hại đến mối quan hệ với các đồng minh của mình trước đây.
Khác với một nước Mỹ nhất quán chống Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ hiện nay vẫn hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc. Họ vẫn phải nhập các sản phẩm của Trung Quốc và tìm cách xuất hàng hóa sang thị trường này. Sự phụ thuộc về mặt kinh tế sẽ khiến cho cả hai bên khó có thể chống nhau đến cùng. Sau hơn một năm xảy ra chiến tranh thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã có những nhượng bộ lẫn nhau. Trung Quốc miễn áp mức thuế mới với một số sản phẩm của Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành.
Mỹ cũng hoãn tăng thuế 250 tỷ USD hàng Trung Quốc trong 2 tuần và tạm miễn thuế hơn 400 mặt hàng khác. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đúng ra đã có thể kết thúc cuộc chiến đó nếu đại dịch không ngẫu nhiên xảy ra. Điều đó cho thấy những căng thẳng hiện nay hoàn toàn có thể cân nhắc những lựa chọn khác khi tình thế có thay đổi, chẳng hạn như giải pháp hòa hoãn.
Việc hai cường quốc đối đầu với nhau về cơ bản cũng là vì lợi ích của chính họ. Bản thân các quốc gia khác bị ảnh hưởng cũng phải cân nhắc tới lợi ích của mình. Giữa một nước Mỹ vô cùng quyền lực và một Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới sẽ có rất nhiều điều cần phải tính toán. Đó rõ ràng là một cuộc đối đầu mà không ai muốn mạo hiểm bởi nếu đi chệch hướng thì đây không chỉ là sự rạn nứt của một mối quan hệ song phương đơn thuần.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/canh-tranh-my-trung-607673/