Cạnh tranh Mỹ-Trung: Ngoại giao 'chiến lang' của Bắc Kinh và lợi thế của Washington
Thời gian qua, cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung đang nóng lên bởi xu hướng ngoại giao 'chiến lang' của Trung Quốc trước phương Tây.
Nếu ai đó vẫn nuôi hy vọng rằng sự thay đổi chính quyền ở Washington sẽ hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Trung, thì cuộc họp vừa qua giữa hai quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp Trung Quốc tại Alaska (Mỹ) sẽ khiến họ phải nghĩ lại.
Trong một cuộc trao đổi mở, cho phép các phóng viên ghi hình, trước khi các cuộc thảo luận riêng bắt đầu, quan chức Mỹ-Trung đã dành cho nhau nhiều lời lẽ bất bình, dị nghị và chỉ trích.
Việc Trung Quốc sẵn sàng thách thức mạnh mẽ phía Mỹ trong một diễn đàn công khai như vậy nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc đã qua thời phải tìm cách che giấu sức mạnh của mình.
Một Trung Quốc khác
Rõ ràng, Bắc Kinh đang muốn tỏ ra rằng Washington là một cường quốc đang suy tàn, và đây là thời điểm chín muồi để Trung Quốc phát huy những lợi thế của mình.
Thực tế là nhiều nhà quan sát Mỹ dường như cũng đồng ý với đánh giá đó. Nhiều người Mỹ Mỹ đã không còn hùng mạnh như trước. Sau 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump và một năm “xây xẩm” khi phải đối phó với đại dịch Covid-19, bao trùm phần lớn các bài bình luận và phân tích về cạnh tranh Mỹ-Trung dường như là niềm tin với cường quốc số một thế giới đang bị lung lay.
Mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris (Pháp) đã chỉ trích nặng lời trên Twitter chính thức của mình đối với nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, vì đã bảo vệ kế hoạch thăm Đài Loan của một nhóm thượng nghị sĩ Pháp.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự không hài lòng của Paris.
Sau đó, khi EU trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc vì chính sách trấn áp lực lượng chống đối ở Tân Cương, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc" liên quan vấn đề Tân Cương.
Cả hai động thái này đều nhằm mục đích đe dọa các nhà nghiên cứu và nhà phân tích về các chủ đề mà Trung Quốc coi là nhạy cảm.
Giống như Mỹ, Trung Quốc đã và đang sử dụng các biện pháp thương mại cưỡng chế để “trừng phạt” các quốc gia về các chính sách và thực tiễn mà họ không chấp nhận. Dường như, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu vào các cá nhân ở các nước phương Tây.
Trong căng thẳng với Australia, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trả đũa thương mại để báo hiệu sự không hài lòng với lời kêu gọi của chính phủ Australia về một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, trong 14 khiếu kiện của Trung Quốc, Australia bị cáo buộc đã “làm nhiễm độc bầu không khí quan hệ song phương hai nước”.
Nhận định về vấn đề này, ông Sam Roggeveen, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy, Sydney, cho rằng Australia sẽ phải bảo vệ bản thân và lợi ích của mình trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì các đối tác của họ sẽ luôn đặt lợi ích kinh tế lên trên một cách độc lập.
Câu trả lời của “anh cả”
Những xu hướng đối ngoại của Trung Quốc thời gian qua cho thấy Bắc Kinh dường như đang muốn chiếm ưu thế trên mạng xã hội, như việc các nhà ngoại giao “chiến lang” tập chung chỉ trích, phản bác những quan điểm đối lập trên Twitter hơn là quảng bá hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc ở nước ngoài.
Khác với người tiền nhiệm Trump, chính quyền ông Biden vẫn coi Twitter chỉ là một nền tảng khác để phát các thông điệp tổng hợp. Tất nhiên, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không phân thắng bại trên Twitter.
Nhưng những động thái gần đây nhất của Trung Quốc trên Twitter đã khơi mào căng thẳng và vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của Bỉ, Đan Mạch, Đức và Pháp. Đồng thời, Hiệp định toàn diện về đầu tư mà Trung Quốc – EU mới gấp rút hoàn tất vào tháng 12/2020, cũng bị đóng băng vô điều kiện theo các lệnh trừng phạt của hai bên.
Những gì đang diễn ra giữa Trung Quốc và châu Âu nói riêng, phương Tây nói chung, như nhận định của người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrel là “một tình huống mới”. Đó là thực tế địa chính trị hiện tại và là cách mà Trung Quốc nhìn nhận thế giới với sức mạnh đang lên của mình.
Trong bối cảnh này, liệu Washington có thể khẳng định vai trò “anh cả” của mình hay không là câu hỏi giới quan sát đang chờ đợi.
Theo các nhà hoạch định, trước một Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, Mỹ cần nhân đôi nỗ lực trong vai trò quốc tế, tự tin vào “sức hấp dẫn” của mình.
Như chuyên gia Ali Wyne thuộc Viện Nghiên cứu RAND (Mỹ) gần đây đã lập luận rằng, Washington không nên chỉ đóng khung chính sách đối ngoại của mình là đối đầu, cạnh tranh với Trung Quốc. Thay vào đó, cách tiếp cận tốt hơn là tập trung vào nhiều điểm mạnh lâu bền của Mỹ với tư cách là một quốc gia tiên phong giải quyết vấn đề, một quốc gia coi trọng vào các thể chế chung và quan hệ đồng minh.
(theo World Politics Review)