Cạnh tranh tiền kỹ thuật số
Tờ South Morning China Post gần đây có bài viết nhận định, sau các lệnh trừng phạt Huawei và Tik Tok, đồng tiền kỹ thuật số sẽ trở thành chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo về việc phá bỏ ba mạng lưới hỗ trợ tài chính khủng bố trên mạng liên quan đến các Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của nhóm Hamas Palestine, mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), dẫn đến vụ thu giữ lượng tiền điện tử lớn của các tổ chức khủng bố.
Sự kiện này làm nổi bật việc Mỹ ngày càng sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và các hình thức cưỡng bức kinh tế khác để vô hiệu hóa các mối đe dọa hoặc thay đổi hành vi của một quốc gia mà không cần dùng tới các biện pháp quân sự. Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt tài chính phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng mà hai yếu tố quan trọng nhất là tính ưu việt của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu và khả năng kiểm soát luồng thanh toán của Washington. Việc Tổng thống Donald Trump vũ khí hóa đồng USD như một công cụ chính sách đối ngoại đã đưa chiến thuật gây sức ép này lên một tầm cao mới.
Để đối phó với sự thống trị của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, một số quốc gia đã bắt đầu khám phá các giải pháp thay thế cho hiện trạng. Nhưng họ không tìm cách xoay trục sang một loại tiền tệ có chủ quyền do ngân hàng trung ương phát hành mà chú trọng tăng trưởng và chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số cũng như sự gia tăng của các hệ thống blockchain. Trung Quốc đang tiến hành chương trình thử nghiệm một phiên bản điện tử chính thức của đồng nhân dân tệ. Đồng tiền điện tử do Bắc Kinh phát hành được đưa vào thử nghiệm với quy mô nhỏ tại 4 thành phố Thẩm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An. Đồng tiền này được phân phối theo dạng trợ cấp cho cá nhân sử dụng các phương tiện vận chuyển tại Tô Châu.
Hiện tại, đa phần các đồng tiền thanh toán điện tử xuất phát từ việc chuyển đổi tiền tại các tài khoản ngân hàng sang các ứng dụng ví điện tử. Trong khi đó, đồng tiền điện tử của chính phủ được thiết kế như một phiên bản điện tử của giấy bạc hoặc tiền xu và được nhà nước đảm bảo. Loại tiền điện tử này có thể sử dụng nhanh chóng, đơn giản hơn so với giấy bạc và tất nhiên cho phép giới chức Trung Quốc sở hữu quyền lực kiểm soát, giám sát mạnh mẽ hơn nhiều so với tiền giấy thông thường.
Các nhà kinh tế của Đại học Harvard cho rằng đồng nhân dân tệ điện tử có thể cho phép nhiều quốc gia dễ dàng thoát khỏi các lệnh cấm vận của Mỹ hoặc chuyển tiền mà không bị chính phủ Mỹ theo dấu. Nguyên nhân là hệ thống tiền điện tử có thể chuyển tiền xuyên biên giới mà không cần phải qua hệ thống thanh toán quốc tế dựa vào USD hiện nay. “Cũng có khả năng các quốc gia khác sẽ học hỏi từ Trung Quốc để thiết lập hệ thống của riêng mình. Khi đó, lợi thế của người đi đầu có thể tạo ảnh hưởng rất lớn lên hệ thống”, Matthew Graham, CEO Sino Global Capital đánh giá.
Dù sẽ còn mất nhiều năm nữa để đồng nhân dân tệ điện tử được sử dụng trên quy mô toàn quốc và vươn ra thế giới nhưng Trung Quốc vẫn đang liên tục tạo ra thế đối trọng đáng gờm đối với sự thống trị của Mỹ trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-tranh-tien-ky-thuat-so-685978.html