Cạnh tranh với AI trong ngành tài chính

Một nửa số chuyên gia tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ mất việc hoặc bị thay đổi công việc trong thập kỷ tới do trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác. Đây là kết quả khảo sát của Viện Chartered Financial Analyst (CFA) có trụ sở tại Mỹ đưa ra và trên toàn cầu, con số cũng ở mức 48%.

Viện CFA là một hiệp hội toàn cầu gồm các chuyên gia đầu tư, các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Viện CFA đã cấp chứng chỉ CFA công nhận 165.000 chuyên gia tại hơn 165 quốc gia.

Theo South China Morning Post, Viện CFA đã thăm dò 3.832 thành viên tại 95 thị trường trên toàn cầu, với 33% số người được hỏi đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nick Pollard, Giám đốc điều hành châu Á - Thái Bình Dương cho rằng con người không thể tránh khỏi mất việc làm trước những thay đổi về công nghệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có ít nhân lực hơn trong ngành tài chính. Thay vào đó, các chuyên gia sẽ cần phải học các kỹ năng mới để xử lý các nhiệm vụ phức tạp hơn mà AI không thể thực hiện được. Ông Pollard nhận định AI và HI (Human Intelligence - trí tuệ con người ) sẽ là sự kết hợp tốt nhất có thể. Cụ thể, các nhiệm vụ thường xuyên hàng ngày được AI thực hiện trong khi các yếu tố mang tính dự báo phải do HI đảm trách.

Vì vậy, ông Pollard cho biết các thành viên Viện CFA vẫn tin rằng số lượng chuyên gia tài chính trên toàn thế giới sẽ tăng 20% trong thập kỷ tới, từ 1 triệu lên 1,2 triệu. Những chuyên gia này bao gồm các nhà môi giới, quản lý quỹ, nhà phân tích, cố vấn cũng như quản lý cấp cao. 3 công việc hàng đầu dự kiến sẽ biến mất ở châu Á - Thái Bình Dương là kế toán viên hoặc kiểm toán viên, nhà phân tích nghiên cứu và đại lý bán chứng khoán. Trên toàn cầu, đó là ba việc phân tích hiệu suất, thương nhân và kế toán viên hoặc kiểm toán viên.

Các nhà phân tích hiệu suất hoặc kế toán chủ yếu thu thập dữ liệu từ các công ty, có thể mất vài tuần để xem báo cáo hàng năm và các tài liệu khác để đúc kết dữ liệu, nhưng AI có thể thực hiện điều này chỉ trong vài giây, ông Pollard nói. Tương tự, các thương nhân và đại lý bán hàng phải cạnh tranh với giao dịch trực tuyến. Ví dụ, Cơ quan tiền tệ Hồng Công đã cấp 8 giấy phép ngân hàng ảo kể từ tháng 3 năm nay. Do đó, các ngân hàng được thành lập sẽ không có bất kỳ chi nhánh vật lý nào và sẽ hoạt động trực tuyến độc quyền từ quý 4 năm nay.

Mặc dù vậy, theo ông Gary Cheung Wai-kwok, Chủ tịch Hiệp hội Chứng khoán công nghiệp Hồng Công, có những lĩnh vực đòi hỏi sự can thiệp của con người, vì máy móc hoặc AI sẽ không hiểu được, chẳng hạn việc môi giới và nhân viên bán hàng sẽ tiếp tục tồn tại. Glenn Turner, Giám đốc điều hành tại Công ty lập kế hoạch tài chính độc lập Altruist Financial Group, cho biết, nhiều công ty tài chính sẽ sử dụng công nghệ tài chính để cắt giảm chi phí hoạt động và tăng cường dịch vụ khách hàng. Khi các công ty nhận thấy một số khách hàng của họ không hiểu cách sử dụng các kênh bán hàng sử dụng công nghệ mới, họ sẽ thuê nhân viên để giúp đỡ những khách hàng này. Điều này sẽ mang lại công ăn việc làm cho một số người.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-tranh-voi-ai-trong-nganh-tai-chinh-600170.html