Cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ cũng rót tiền vào châu Phi
Ở miền bắc Mozambique, Mỹ đang đầu tư vào một dự án khí hóa lỏng tự nhiên quy mô lớn, tiềm năng mở ra một mặt trận cạnh tranh mới với Trung Quốc ở châu Phi.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Exim) vừa chấp thuận cung cấp 4,7 tỷ USD, khoản vay trực tiếp lớn nhất trong lịch sử ngân hàng này ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm xây một nhà máy khí hóa lỏng (LNG) trên bán đảo Afungi của Mozambique. Điều kiện cho vay là sự bảo đảm việc cung cấp các thiết bị của Mỹ sẽ được dùng bởi hãng dầu khí Total của Pháp để khai thác LNG. Nga và Trung Quốc cũng quan tâm đến việc đầu tư cho dự án ở quốc gia thuộc phía nam châu Phi này.
Exim trải qua 3 năm không có đủ số lượng thành viên tối thiểu trong ban giám đốc, khiến họ không thể đưa ra những quyết định cho vay quan trọng. Chính quyền ông Trump xây dựng lại ban giám đốc của ngân hàng này từ tháng 5 năm ngoái nhằm triển khai sáng kiến châu Phi thịnh vượng, một chương trình kinh tế ra đời năm 2018 để tăng thương mại hai chiều và đầu tư của Mỹ với châu Phi.
Các nhà phân tích cho rằng dù khoản vay của Exim là số tiền lớn nhất mà Mỹ từng cung cấp cho một nước châu Phi, nhưng vẫn chưa thấm gì so với lượng tiền mà Trung Quốc đổ vào lục địa này trong suốt 2 thập kỷ qua.
SCMP dẫn lời GS David Shinn, công tác tại ĐH George Washington, cho biết Exim Bank Trung Quốc cung cấp cho châu Phi 87 tỷ USD tính đến năm 2019. Exim Bank Mỹ cung cấp 12,4 tỷ USD từ năm 2009 đến 2019 cho các nước thuộc tiểu vùng Sahara.
Cho vay tiền là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm giành lại lục địa nơi Trung Quốc là đối tác thương mại và nhà cho vay lớn nhất. Trong thập kỷ qua, Mỹ giảm đầu tư vào châu Phi, tạo nên hoảng trống mà Trung Quốc đã lấp vào.
Năm 2010, thương mại 2 chiều Trung Quốc - châu Phi đạt 208,7 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong khi kim ngạch Mỹ- châu Phi dừng ở 56,9 tỷ USD, theo số liệu của Mỹ.
Quan hệ giữa Trung Quốc với châu Phi đang được thúc đẩy bởi sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, với các khoản tiền được rót cho xây dựng đường sá, nhà máy thủy điện và đường sắt trên khắp lục địa.
“Mỹ đang nghiêm túc hơn ở châu Phi vì cạnh tranh với Trung Quốc. Và châu Phi có thể là bên hưởng lợi nhiều nhất”, ông Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng và chuyên gia phân tích về các thị trường mới nổi của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital của Nga, nói với SCMP.
Mark Bohlund, nhà kinh tế học làm việc tại hãng tư vấn Zitamar, trụ sở ở Mozambique, cho rằng sự trở lại của Exim Bank Mỹ là phản ứng với sự mở rộng của các doanh nghiệp Trung Quốc trên khắp thế giới nhờ tiền của Exim Bank Trung Quốc. Bohlund cho rằng Mỹ đang cố gắng cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi và cái mà phương Tây gọi là ngoại giao “bẫy nợ” của Bắc Kinh.