Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát bên trong tàu tấn công USS Bonhomme Richard bị hỏa hoạn
Sau hơn 4 ngày cháy liên tục, chiều ngày 16/7 giờ Vệt Nam, hỏa hoạn trên tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard được tuyên bố đã dập tắt. Cùng với một cuộc điều tra, thiệt hại sau sự cố đang được đánh giá.
Con tàu sống sót!
Sáng 17/7, giờ Việt Nam, tờ Thedrive đã thông tin cuộc họp báo của Hải quân Mỹ, sau khi hỏa hoạn trên tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard được xác định đã dập tắt hoàn toàn.
Thông tin cho biết, đám cháy bùng phát khi có 85 thuyền viên đang ở trên tàu. Lửa phát cháy và sau đó gây ra vụ nổ.
Sự cố xảy ra khi chu kỳ bảo dưỡng sâu của con tàu đã hoàn thành 2/3 công việc.
Hỏa hoạn đã khiến nhiệt độ trên tàu ở nhiều khu vực lên tới 1.200 độ C, trong đó cấu trúc tháp chỉ huy phần lớn được làm bằng nhôm, đã bị tan chảy.
Ba phi đội trực thăng đã thả hơn 1.500 túi nước làm mát cấu trúc thân và sàn tàu, giúp giảm tác động tới sự ổn định kết cấu khung tàu và cho phép các đội cứu hỏa có thể tiếp cận chữa cháy.
Hàng trăm thủy thủ từ 20 tàu đang neo tại Cảng San Diego đã tham gia chữa cháy.
Đã có 63 nhân viên, gồm 40 thủy thủ và 23 thường dân được điều trị cho những chấn thương nhẹ do kiệt sức vì nóng và hít phải khói.
Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, Tư lệnh Nhóm tác chiến viễn chinh hải quân số 3, tuyên bố, con tàu đã được chứng minh là có thể sống sót và có thể được cải tạo lại. Tuy nhiên, việc cải tạo hay không còn phải xem xét. Nguyên nhân hỏa hoạn và mức độ thiệt hại cụ thể chưa được xác định.
Có lỗ hổng an toàn
Aaron Amick, một thủy thủ kỳ cựu, kỹ thuật viên sonar tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, người từng nhiều năm phục vụ trên tàu tấn công nhanh lớp 688 Los Angles và tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio, chia sẻ, tiêu chuẩn hoạt động thiếu nghiêm ngặt trên hệ thống tàu chạy bằng dầu, điện thông thường, khiến con tàu dễ bị tổn thương do hỏa hoạn.
Amick chỉ ra, nguy hiểm nhất là thời điểm bảo trì, bảo dưỡng tàu tại cảng. Thời điểm này, nhiều hệ thống trên tàu, bao gồm hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động tạm thời ngừng hoạt động. Các lối đi trên tàu bừa bộn, bị thu hẹp, hay tạm thời bị phong tỏa khiến việc lưu thông, phản ứng và xử lý sự cố bị trở ngại.
Đáng lưu ý, quá trình bảo dưỡng làm phát tán rác, chất thải, gồm những mảnh vụn, thùng các tông, thậm chí giẻ lau dầu trên sàn tàu, trong khi các đội cơ khí đang thực hiện các hoạt động hàn xì, mài cắt tạo ra tia lửa.
Trong môi trường làm việc ồn ào, bừa bộn, nóng bỏng như vậy, nguồn rác thải này dễ trở thành mồi lửa, tiểm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn.
Chưa kể, trong khoảng thời gian dài bảo trì tại cảng, nhiều thủy thủ giàu kinh nghiệm tạm thời được điều chuyển nhiệm vụ khác, chỉ để lại những nhân sự bình thường hoặc mới. Với sự thiếu thông thuộc con tàu khiến việc ứng phó với sự cố trở nên chậm trễ và lung túng.
Nhiều người đặt ra giả thiết, nếu sự cố như vậy xảy ra trên một chiếc tàu ngầm hạt nhân nhân thì sẽ ra sao. Amick cho rằng, sẽ không đáng sợ, bởi lò phản ứng hạt nhân đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho toàn bộ các hoạt động trên tàu khiến nó không dễ phát cháy hoặc cháy trên phạm vi lớn.
Cùng với quy trình hoạt động tiêu chuẩn, từ xây dựng, bảo trì đến vận hành, cả trên biển và trong thời gian neo tại cảng, mọi quy trình trên tàu hạt nhân, được thực thi nghiêm ngặt với yêu cầu văn hóa ứng xử và kỷ luật cao.
Các phương tiện cá nhân không được mang theo hoặc đều tắt khi được đưa lên tàu. Thùng các tông và vật dễ cháy sẽ được giữ tại bến tàu, trong khi dụng cụ tác nghiệp được gắn với công nhân mọi lúc và không được lưu trữ trên tàu.
Có lẽ, sau thảm họa Bonhomme Richard, đã đến lúc áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn trên các chiến hạm chạy điện như trên các tàu hạt nhân, cựu thủy thủ tàu ngầm Amick đề xuất.