Cảnh tượng ở thủ đô Brazil thành tâm điểm chú ý thế giới

Hàng nghìn người xông vào các tòa nhà chính quyền Brazil không phải là sự kiện bất chợt bùng phát, mà đến từ những chia rẽ sâu sắc của một bộ phận dân chúng trong những tháng qua.

 Lực lượng an ninh kéo lê người biểu tình trên nền đất bên ngoài dinh tổng thống ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Lực lượng an ninh kéo lê người biểu tình trên nền đất bên ngoài dinh tổng thống ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Một ngày sau vụ bạo loạn, giới chức Brazil cho biết đã bắt giữ ít nhất 1.200 người liên quan đến vụ việc, đồng thời dần dỡ bỏ những lều tập trung người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro được dựng lên kể từ khi ông thất cử hồi tháng 10/2022.

Vụ việc xảy ra sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức hơn một tuần. Cuộc bạo loạn tại Brasilia lần này cũng khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ cách đây 2 năm.

Người biểu tình gồm những ai?

Phần đông người xông vào các tòa nhà chính phủ là những người ủng hộ trung thành với ông Jair Bolsonaro.

Họ đã thể hiện rõ sự bất bình với Tổng thống Lula da Silva kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2022.

Những người biểu tình mặc trang phục với màu quốc kỳ Brazil, cũng là màu chủ đạo trong chiến dịch của ông Bolsonaro. Họ xông vào dinh tổng thống, tòa nhà quốc hội, tòa án, đập vỡ cửa sổ, đồ đạc bên trong, cũng như lấy vật dụng chặn lối vào của cảnh sát.

Dù vậy, vụ việc tại Brasilia ngày 8/1 không bất chợt xuất hiện với quy mô như vậy.

Những người ủng hộ ông Bolsonaro đã lập các trại bên ngoài thủ đô kể từ khi ông thua cuộc. Bộ trưởng Tư pháp Brazil Flavio Dino hôm 7/1 đã ủy quyền cho lực lượng vũ trang lập rào chắn bên ngoài tòa nhà quốc hội do sự xuất hiện liên tục của nhóm người này.

Ông Bolsonaro có liên quan đến bạo loạn?

Dù ông Bolsonaro khẳng định không liên quan đến vụ bạo loạn, một số chuyên gia cho rằng việc cựu tổng thống đưa ra những nghi ngờ về cuộc bầu cử trong nhiều tháng qua đã đặt nền móng cho một số thành phần cực đoan tấn công tòa nhà quốc hội ngày 8/1.

Nhiều tháng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử trước đối thủ Lula da Silva, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro liên tục có những tuyên bố nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.

 Bên trong tòa nhà quốc hội Brazil bị hư hại khi người biểu tình xông vào. Ảnh: Reuters.

Bên trong tòa nhà quốc hội Brazil bị hư hại khi người biểu tình xông vào. Ảnh: Reuters.

Ông liên tục cáo buộc cuộc bầu cử bị gian lận, song những tuyên bố này không có nhiều bằng chứng rõ ràng.

Người đứng đầu tòa án bầu cử ở Brazil hôm 4/1 đã bác đơn của ông Bolsonaro đòi hủy các lá phiếu, gọi những cáo buộc của ông là “lố bịch và bất hợp pháp”.

Trong báo cáo tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng Brazil cũng không tìm thấy bằng chứng có gian lận hoặc điều bất thường trong quá trình bầu cử.

Đến nay, ông Bolsonaro chưa công khai nhận thất bại trước ông Lula da Silva, trong khi khẳng định sẽ tuân thủ hiến pháp và thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực. Ông đã rời đất nước vào đêm trước ngày Tổng thống Lula da Silva nhậm chức, và đang ở bang Florida, Mỹ kể từ đó.

Hình bóng vụ bạo loạn Điện Capitol

Vụ bạo loạn tại Brazil lập tức được so sánh với cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ cách đây 2 năm.

Hai vụ bạo loạn đều có những điểm tương đồng về tính chất và thời gian. Cuộc bạo loạn ngày 8/1 diễn ra sau nhiều tuyên bố gay gắt của ông Bolsonaro về tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Ông Bolsonaro thường nhắc đến tình trạng “tin giả” trong nhiệm kỳ của mình, khẳng định các cuộc thăm dò nói ông xếp sau ông Lula là không đáng tin cậy, và nói rằng những máy bỏ phiếu gặp vấn đề. Đây đều là những lập trường tương tự cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ ở cả hai cuộc bạo loạn. Đồng thời, kết quả vẫn không thay đổi. Ông Lula da Silva đã nhậm chức tổng thống Brazil, điều tương tự người đồng cấp Joe Biden từng làm cách đây 2 năm.

Vụ bạo loạn ở Brasilia ngày 8/1 gợi lại nhiều điểm tương đồng với vụ tấn công Điện Capitol ở Mỹ ngày 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

Vụ bạo loạn ở Brasilia ngày 8/1 gợi lại nhiều điểm tương đồng với vụ tấn công Điện Capitol ở Mỹ ngày 6/1/2021. Ảnh: Reuters.

Điều gì xảy ra tiếp theo

Theo New York Times, vụ bạo loạn ở Brasilia cho thấy sự chia rẽ sâu sắc tại Brazil hơn nhiều người tưởng tượng, và điều này đặt thêm thách thức cho chính quyền ông Lula da Silva, người vừa nhậm chức hơn một tuần.

Tại buổi họp báo, ông Lula da Silva nói cuộc bạo loạn này là “man rợ” và tình trạng an ninh lỏng lẻo đã cho phép những người ủng hộ ông Bolsonaro theo chủ nghĩa “phát xít” xông vào tòa nhà quốc hội, tòa án và dinh tổng thống.

Giới lãnh đạo Brazil ngày 9/1 gọi cuộc tấn công này là "hành động khủng bố", và sẽ có những hành động pháp lý để đáp trả và đưa đất nước trở lại "bình thường". Ông Lula cũng đã ký sắc lệnh khẩn cấp vào cuối ngày 8/1, trao quyền cho lực lượng liên bang phụ trách an ninh ở thủ đô.

Vụ việc lần này được coi là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ ở Brazil, sau 38 năm nước này thoát khỏi chế độ độc tài quân sự.

Toàn cảnh bạo loạn ở thủ đô Brazil Những người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xông vào dinh tổng thống, Quốc hội và Tòa án Tối cao của nước này, trong khi cảnh sát bắn hơi cay để kiểm soát đám đông.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-da-xay-ra-o-thu-do-brazil-post1392417.html