Cảnh tượng 'quá đau lòng' trong đám tang vắng người giữa dịch COVID-19
Số lượng tang lễ bị giới hạn và yêu cầu phát một số dịch vụ trực tuyến đã khiến nhiều gia đình không có cơ hội tiễn đưa người thân chết vì COVID-19 trong giây phút cuối cùng.
Giám đốc nhà tang lễ Paul Cuthell đứng bên phần mộ hoang vắng, thầm thì lời cầu nguyện cho một cụ già 90 tuổi vừa qua đời vì COVID-19. 20 năm trước, Paul đã tiễn đưa vợ của cụ ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đến nay, người thân duy nhất trên đời của cụ là hai người em họ tuổi đã ngoài 70, song họ không thể đến dự đám tang của ông vì lệnh hạn chế di chuyển của chính phủ.
“Cảnh tượng này quá đau lòng”, Paul, giám đốc dịch vụ tang lễ ở miền trung Scotland, cho biết. “Người dự đám tang chỉ có tôi, một đồng nghiệp và ba nhân viên nghĩa trang. Tôi không thể quay lưng bước đi mà không nói vài lời tưởng niệm người đã khuất”.
Ở hạt Leicestershire (Anh) cách đó 563 km, hai chiếc xe tang lặng lẽ rẽ vào nhà tang lễ trên con đường hoang vắng tiêu điều. Các nhà thờ đã đóng cửa, cửa hàng hoa ngừng kinh doanh, xe tang cũng bị cấm di chuyển hàng loạt để đảm bảo giãn cách xã hội. Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, các nhà hỏa táng và nghĩa địa cũng giới hạn số người tham gia tang lễ từ 10 - 15 người. Thay vào đó, nhiều nghi thức sẽ được cử hành và phát trực tuyến.
Những người tham dự tang lễ phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, cũng có nghĩa là họ không có cách nào an ủi nhau trong nỗi đau mất đi người thân. Vì lý do an toàn, thi thể của những bệnh nhân tử vong vì COVID-19 phải được giữ kín trong quan tài suốt nhiều tiếng để tránh virus phát tán trong không khí, khiến người thân không thể nhìn mặt họ lần cuối trong phút giây giã biệt.
Thân nhân của những người qua đời vì lý do khác có thể nhìn mặt và chạm vào thi thể trong lúc thực hiện tang lễ ở Nhà nguyện, song vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thời gian và khoảng cách an toàn để tránh có tiếp xúc với nhiều người. COVID-19 đã gây nên nỗi đau không thể xóa nhòa với những gia đình đang chịu tang. Cảm thông với tâm trạng đó, các nhân viên nhà tang lễ đã cố gắng an ủi họ bằng nhiều hành động nhỏ, từ lấy dấu vân tay điện tử để làm trang sức, cho đến đặt di vật kỷ niệm cùng với thi thể trước khi đóng nắp quan tài.
Tháng trước, Jenny Gilbert-Trigg, người đứng đầu dịch vụ tang lễ AJ Adkinson and Son ở Leicestershire, đã tiến hành nghi lễ chôn cất hai cha con lần lượt qua đời vì COVID-19 chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. “Người bố đã hơn 80, còn người con trai cũng qua 50 tuổi. Cháu trai của ông cụ nói rằng gia đình họ không biết phải làm sao, sự ra đi của hai người khiến cho cuộc sống của cả nhà hoàn toàn đảo lộn”, bà nói.
Các thành viên của gia đình này đều theo đạo Hindu, vốn có truyền thống tắm cho thi thể trước khi chôn cất. Song, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, họ đành phải bỏ qua nghi thức đó. “Chúng tôi lót vải trong quan tài và đặt di vật mà gia đình yêu cầu vào đó. Vào ngày cử hành tang lễ, chúng tôi lái xe tang đến trước cửa nhà để thân nhân được cầu nguyện và tiễn đưa người chết lần cuối. Trong khả năng, chúng tôi cố gắng dạo qua khu vực có nhà cửa, khu dân cư lân cận để mọi người thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất”, bà chia sẻ.
“Trước đây, mọi người có thể đã tìm chuyên gia để trang điểm và chỉnh sửa kiểu tóc cho người thân trước khi đặt họ vào quan tài. Bây giờ, họ chỉ có thể nhìn thấy người đã khuất qua những bức ảnh của chúng tôi. Nhân viên tang lễ có thể phun một ít nước hoa mà người đã khuất hay dùng lên quan tài, vậy thì dù không được nhìn mặt người thân, những người dự tang lễ vẫn cảm thấy mình đang ở bên họ dựa vào mùi hương quen thuộc”, Gilbert-Trigg cho biết. “Chúng tôi cũng có máy quét và in dấu vân tay để gia đình làm đồ trang sức. Có thể nói rằng chúng tôi làm mọi thứ để khiến đại dịch không có cơ hội cản trở mọi người nói lời tạm biệt với người thân yêu của họ”.
Chỉ trong tháng 4 này, tình hình kinh doanh của các cơ sở dịch vụ tang lễ đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Jeremy Field đang điều hành một trong số ít các nhà tang lễ cung cấp dịch vụ ướp xác cho người đã khuất, với nhân viên được trang bị kính bảo hộ, khẩu trang, tạp dề, găng tay và kính che mặt. Giám đốc của hơn 30 cơ sở tại miền đông nam nước Anh vẫn cho phép gia đình nhìn mặt người đã khuất, nhưng khuyến nghị họ không nên chạm vào thi thể.
“Chúng tôi từng chứng kiến nhiều đám tang không có ai đến dự, bởi nhiều gia đình nghĩ rằng nếu họ không thể có mặt đủ đầy để tiễn bước người chết, vậy thì không cần thiết phải đến nữa”, ông nói. “Điều đau lòng nhất là quy định giãn cách xã hội khắt khe. Chúng ta nhìn theo những người con cố gắng nắm chặt tay bên người, đứng lặng trong đám tang, trong khi tất cả những gì họ muốn làm là tiến lên ôm bố hay mẹ mình một lát, xoa dịu tâm trạng đau khổ của đấng sinh thành khi mất đi bạn đời”.
Giám đốc nhà tang lễ Abi Pattenden tại khu vực Sussex và Surrey không ướp xác người chết vì COVID-19, nhưng vẫn cho phép các gia đình đến gặp người quá cố nếu điều kiện cho phép. David Barrington và vợ là Claire, người điều hành dịch vụ tang lễ tại Liverpool, chia sẻ một câu chuyện xúc động về đám tang của một người đàn ông. “Vài tuần trước, chúng tôi tổ chức lễ tang cho một người đàn ông gốc Phi, anh trai ông ấy nhờ chúng tôi chụp ảnh em trai yên nghỉ trong quan tài. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng chúng tôi không nỡ từ chối yêu cầu đó”, ông nói. “Khi xe tang đi trên đường, hàng xóm của họ đã ra trước cửa và vỗ tay theo, vợ tôi không kìm được nước mắt”.
Đối với Paul Cuthell, COVID-19 đã đến gần quê nhà ông hơn bao giờ hết. Không chỉ hàng xóm cạnh bên nhà, mà một nhân viên của ông cũng đã mất mẹ vì đại dịch chết người. Hiện người nhân viên này đang tự cách ly trong vòng 14 ngày. Trước khi tự cách ly, anh tha thiết xin Cuthell hãy tổ chức tang lễ cho mẹ mình như thể người thân ruột thịt.
Hiệp hội các nhà điều hành tang lễ ở Anh đang kêu gọi người dân thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất và thân nhân của họ trong thời điểm đau thương này bằng cách cúi đầu, vỗ tay nhẹ nhàng hoặc chỉ đơn giản là dừng lại khi một chiếc xe tang lướt ngang qua con đường họ đang đi.