Cao Bằng cần lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp

Ngày 8/7, tại tỉnh Cao Bằng diễn ra Hội nghị 'Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020'.

Phát triển công nghiệp, thương mại còn hạn chế

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, trong giai đoạn 2004 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 7,5%/năm; quy mô nền kinh tế có sự tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu ngân sách có sự tăng trưởng khá, bình quân đạt 18%/năm (giai đoạn 2004 - 2009 bình quân tăng 16,5%/năm, giai đoạn 2009 - 2014 bình quân tăng 23%/năm, giai đoạn 2014 - 2018 tăng bình quân 12,45%/năm).

Ông Hoàng Xuân Ánh- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Hội nghị

Ông Hoàng Xuân Ánh- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Hội nghị

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm (giai đoạn 2004 - 2009 tăng bình quân 14,5%/năm, giai đoạn 2009 - 2014 tăng bình quân 19,5%/năm, giai đoạn 2014 - nay tăng bình quân 6,5%/năm). “Công tác phát triển doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới phát triển tương đối nhanh, năm 2004, toàn tỉnh có 131 doanh nghiệp, năm 2018 có trên 1.400 doanh nghiệp”- lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thông tin.

Đối với phát triển công nghiệp Cao Bằng hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng, cụ thể chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị cao; quy mô sản xuất vừa và nhỏ, công nghệ chỉ đạt mức trung bình, thậm chí một số doanh nghiệp công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất một số doanh nghiệp bị thu hẹp... làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp phát triển chưa bền vững.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư lớn quan trọng thuộc ngành công nghiệp chế biến và phát triển thủy điện thực hiện không đạt tiến độ đề ra; một số nhà máy đầu tư xong nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, kém hiệu quả… Chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất ngành công nghiệp chưa mạnh; liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn hạn chế. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại còn thiếu và yếu, chưa thu hút được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế... để tạo điều kiện cho phát triển các cụm sản xuất liên ngành đối với các sản phẩm ưu tiên phát triển trên địa bàn.

Phát triển công nghiệp chế biến gắn với dịch vụ logistic và kinh tế cửa khẩu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị nghiêm túc của Tỉnh ủy Cao Bằng trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, ông Bình đề nghị tỉnh Cao Bằng cần đánh giá, xác định và khai thác triệt để các lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng và cả nước. Với vị trí địa lý hết sức quan trọng, có đường biên giới trên 333km và nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN, nằm trong khu vực đảm bảo hệ sinh thái cho vùng Bắc Bộ, là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng… “Cao Bằng cần khai thác và phát triển kinh tế biên mậu theo hướng chuyển đổi từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch để cùng với dịch vụ logistic, các trung tâm chế biến với hệ thống kho đông lạnh… để xuất khẩu và khai thác tốt hơn thị trường rộng lớn tại Trung Quốc”- ông Bình lưu ý.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ đạo Hội nghị

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ đạo Hội nghị

Về phát triển du lịch, cần khai thác lợi thế có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống đặc biệt của Cao Bằng, kết hợp với các hình thức du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, cộng đồng để tạo nên sự hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong đó đặc biệt lưu ý tiềm năng to lớn từ thị trường khách du lịch Trung Quốc.

Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cần lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp, hạn chế và chỉ phát triển thủy điện nhỏ ở các nơi có điều kiện do ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và chiếm diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh. Về khai thác khoáng sản, do điều kiện tự nhiên không đủ phục vụ khai thác tầm công nghiệp quy mô lớn, tỉnh cần nhận diện và hạn chế tối đa việc khai thác khoáng sản nhỏ lẻ hiện nay vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên, phá hủy hạ tầng giao thông cũng như gây ra nhiều vấn đề về xã hội khác. “Với đặc điểm không có quỹ đất và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp quy mô lớn, tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với dịch vụ du lịch, logistic và kinh tế cửa khẩu”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-bang-can-lua-chon-huong-di-dung-trong-phat-trien-cong-nghiep-122090.html