Cao Bằng cần tăng tốc, sớm 'về đích', hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng, chiều 10/6, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng.
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đã báo cáo đồng chí Chủ tịch nước và đoàn công tác một số nội dung đột phá và kiến nghị của tỉnh Cao Bằng; kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh địa phương.
Những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã quan tâm, đẩy mạnh công tác công tác quảng bá, thu hút đầu tư, nhằm tạo đột phá trong phát triển. Vừa qua tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thành công hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng” tại Hà Nội.
Địa phương cũng tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, giới thiệu tỉnh Cao Bằng thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, xúc tiến đầu tư, thương mại, thu hút dòng vốn FDI, ODA phục vụ đầu tư, phát triển địa phương.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhưng số lượng nhà tạm, nhà dột nát còn lại khá nhiều, hiện, địa phương còn thiếu 71 tỷ đồng, để hỗ trợ xóa 2.000 nhà tạm, nhà dột nát, cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa tại Cao Bằng, đặc biệt là tại 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm còn thiếu nhà công vụ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các thầy, cô còn tạm bợ. Trong khi nguồn lực đầu tư xây nhà công vụ cho giáo viên của địa phương hạn hẹp.
Để tạo điều kiện cho Khu du lịch thác Bản Giốc phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, Cao Bằng cũng đề nghị, Trung ương xem xét, cân đối, hỗ trợ địa phương khoảng 350 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, cảnh quan Khu du lịch thác Bản Giốc.
Ngoài ra, Trung ương cho chủ trương để Cao Bằng xây dựng đề án “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng”, để tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế cửa khẩu ở Cao Bằng tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, đến nay, tỉnh Cao Bằng hoàn thành 3 chỉ tiêu, 10 chỉ tiêu đạt hơn 70%, các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác đề ra trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đang được triển khai, thực hiện tốt.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của địa phương bình quân đạt 5,46% năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm.
Địa phương đang phối hợp, triển khai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, dự án trọng điểm với kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển địa phương.
Văn hóa-xã hội địa phương tiếp tục phát triển; du lịch có kết quả thu hút du khách, tăng trưởng doanh thu đạt tốt; quốc phòng-an ninh địa phương tiếp tục được bảo đảm, giữ vững.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã phát biểu ý kiến trao đổi, trả lời kiến nghị gợi mở, đề xuất hướng đổi mới, tạo đột phá phát triển tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng đã quyết tâm, quyết liệt đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Chia sẻ những khó khăn của Cao Bằng như tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung của cả nước; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách đạt thấp; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; thương mại, dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm, Chủ tịch nước Tô Lâm trăn trở, “làm thế nào để Cao Bằng vươn lên” vẫn là câu hỏi lớn.
Với sự trăn trở đó, Chủ tịch nước Tô Lâm gợi mở, Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 333km, địa phương cần tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác, thúc đẩy hợp tác, phát triển thương mại, tạo “dấu ấn” mới trong giao lưu thương mại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Phân tích yếu tố, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) là thị trường lớn, nằm ngay sát Cao Bằng; đồng chí Chủ tịch nước đề nghị, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Cao Bằng thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng kim ngạch thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Cao Bằng-Quảng Tây.
Chia sẻ câu chuyện, một năm các ngân hàng trên địa bàn Cao Bằng huy động tiền gửi dân cư đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, nhưng doanh số cho vay chỉ đạt khoảng một nửa nguồn vốn huy động; còn lại, các ngân hàng phải liên thông, cho vay trong hệ thống, Chủ tịch nước đánh giá, nguồn lực của tỉnh chưa được sử dụng hết.
Do đó, địa phương cần tích cực, quyết liệt cải cách, khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư-kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, tỉnh Cao Bằng cần quyết liệt chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển.
Cao Bằng cần đồng bộ thực hiện các giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chủ tịch nước đề nghị, để tạo đột phá trong phát triển, Cao Bằng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch xanh, bền vững... Địa phương cần tạo ra sản phẩm đặc trưng, độc đáo, có sức cạnh tranh; đồng thời, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi để nhà đầu tư gắn bó với Cao Bằng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, giáo dục, y tế trong phát triển, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư, phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; chăm lo, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trong công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước đề nghị, Cao Bằng đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp liêm chính, công tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, Đảng bộ Cao Bằng cần tăng tốc, tạo đột phá, sớm về đích trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025.