Cao Bằng: Chính sách đầu tư của nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đồng bào DTTS tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa tại Cao Bằng có cuộc sống ấm no hơn mỗi khi tết đến, xuân về.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng kịp thời tham mưu, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các DTTS. Lập danh sách 536 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô vào diện hỗ trợ theo quyết định. Từ nguồn vốn do Trung ương cấp, thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, xã Hồng Trị; Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm).

Trước đây, nhiều xóm đồng bào dân tộc Lô Lô là những xóm nghèo, từ khi được hỗ trợ theo đề án, đến nay, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc. Từ việc triển khai các chính sách đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, đời sống đồng bào Lô Lô có nhiều đổi thay, số hộ nghèo giảm qua từng năm. Các sản phẩm độc đáo như dệt thổ cẩm của bà con đang được nhiều du khách biết đến. Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Hạ tầng cơ sở thiết yếu của đồng bào Lô Lô được quan tâm, tỉnh đầu tư gần 7 tỷ đồng triển khai 5 công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu. Đầu tư 3 dự án ổn định dân cư biên giới xóm Lũng Mần và cụm dân cư Lũng Pịa; ổn định dân cư biên giới xóm Nà Chào được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách trung ương 25 tỷ đồng. Đầu tư 30 tỷ đồng thực hiện 3 dự án: Bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ; xóm Cốc Ngòa, Riềng Thượng, xã Hưng Đạo; xóm Nặm Dạng, Pò Làng, xã Quang Trọng.

Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình 135, được triển khai thực hiện từ năm 2016 - 2020, tỉnh xây dựng 739 dự án hỗ trợ sản xuất với 108.262 lượt hộ tham gia. Triển khai nhân rộng 140 mô hình giảm nghèo bền vững với 4.575 lượt hộ tham gia và hưởng lợi từ các dự án... Triển khai hiệu quả các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của địa phương, các chương trình, chính sách dân tộc đến được các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều đổi thay. Hộ nghèo giảm 4%/năm (5.196 hộ), đào tạo nghề cho 3.500 người DTTS, trên 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 99,4% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. 100% đường liên xã được thông tuyến, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 91% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, gần 91% hộ sử dụng điện, trên 93% hộ được xem truyền hình, 2.600 hộ di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luôn đồng hành cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết: Xác định thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, là cơ quan thường trực, đầu mối trong việc tổ chức thực hiện chương trình, chính sách dân tộc, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh luôn chú trọng cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách vào thực tiễn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng kế hoạch cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với nguồn lực đầu tư từ chương trình, chính sách, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cao-bang-chinh-sach-dau-tu-cua-nha-nuoc-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-co-cuoc-song-am-no-100509.html