Cao Bằng đưa thông tin bầu cử tới với đồng bào dân tộc thiểu số

Với sự đa dạng về hình thức tuyên truyền, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Cao Bằng đang quyết tâm cao nhất để đưa thông tin bầu cử đến với người dân.

Nhờ hướng dẫn của cán bộ xóm, người dân xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử lần này.

Nhờ hướng dẫn của cán bộ xóm, người dân xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử lần này.

Là địa phương đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều hình thức phong phú, thiết thực nhằm đưa thông tin về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp đến gần nhất với người dân.

Xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An có hơn 400 cử tri đều là người Mông. Thời điểm này vào vụ vun ngô nên gần như cả ngày bà con tất bật lên nương. Ông Lý Văn Minh, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Phầy phải tranh thủ buổi tối đến từng nhà, thậm chí là tranh thủ cả lúc bà con nghỉ giải lao ngoài nương để phổ biến lồng ghép về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công tác chuẩn bị toàn dân tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND vào ngày 23/5 tới. Lợi thế của ông chính là việc dùng chính tiếng mẹ đẻ để nói chuyện, giúp bà con dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

Ông Lưu Văn Sơn – người dân xóm Lũng Phầy, xã Hồng Việt cho biết, nhờ sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của ông Minh và những cán bộ trong xóm, bà con đều đã hiểu được ý nghĩa của cuộc bầu cử và sẽ đi bầu cử đầy đủ, lựa chọn người xứng đáng để điền tên trong lá phiếu của mình.

"Qua văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, được cán bộ xóm tuyên truyền, rồi qua các cuộc họp xóm, đến các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động, tôi và bà con đã hiểu hơn về đợt bầu cử này. Tôi cũng nhắc bà con là ngày bầu cử mọi người nên đến sớm, đầy đủ", ông Sơn chia sẻ thêm.

Vũ Minh là một xã mới sáp nhập của huyện Nguyên Bình, nơi có một số nhóm hộ cách điểm bỏ phiếu đến vài km. Xã có gần 60% là đồng bào Dao và số hộ nghèo lên đến hơn một nửa. Bên cạnh phát huy hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở bằng các thứ tiếng và dùng cả hệ thống loa kéo tay đến từng thôn bản để tuyên truyền, địa phương cũng chú trọng đặc biệt đến vai trò của cán bộ và người uy tín ở cơ sở.

Ông Triệu Tòn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vũ Minh cho biết, với các xóm gần dưới trung tâm xã thì dùng loa truyền thanh, còn các xóm ở xa, chủ yếu đồng bào Dao thì có cán bộ nói tiếng Dao đi cùng.

Các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng tại cơ sở thu hút được đông đảo người dân huyện Thạch An.

Các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng tại cơ sở thu hút được đông đảo người dân huyện Thạch An.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công việc của các cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch An tất bật hơn. Đơn vị đã phối hợp với tỉnh cùng chính quyền các xã, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là các chương trình văn nghệ quần chúng tới 14 xã, thị trấn toàn huyện. Các tiết mục múa, hát, kịch mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao, vừa mang tính giải trí vui vẻ, vừa lồng ghép tuyên truyền chống tiếp tay cho xuất, nhập cảnh trái phép, hướng dẫn người dân những thông tin cần thiết để hưởng ứng ngày hội bầu cử toàn dân sắp tới.

Ông Vũ Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch An cho biết: "Anh em cán bộ văn hóa chúng tôi đến từng thôn bản để tuyên truyền về đợt bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phòng Văn hóa chúng tôi cũng tổ chức nhiều buổi văn nghệ, có các loại hình như nhạc, ca nhạc, kịch tuyên truyền về bầu cử. Cán bộ văn hóa chúng tôi quyết tâm dù khó khăn cũng sẽ đưa được thông tin tới người dân".

Xe tuyên truyền lưu động của huyện Thạch An đến các xóm, xã để tuyên truyền về Luật bầu cử.

Xe tuyên truyền lưu động của huyện Thạch An đến các xóm, xã để tuyên truyền về Luật bầu cử.

Sau thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, tỉnh Cao Bằng hiện có 1.642 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 161 đơn vị hành chính cấp xã. Địa giới hành chính mới, dân cư xáo trộn, nhiều nhóm hộ cũng buộc phải di chuyển xa hơn để đến trung tâm xóm và các điểm bầu cử. Những điều này chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người dân. Do đó, để người dân thực sự hiểu hết ý nghĩa của cuộc bầu cử, công tác tuyên truyền càng được quan tâm hơn.

Ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, trước tiên đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các tổ chức mặt trận, đoàn thể chính trị, xã hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời thông tin bầu cử đến với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Chỉ đạo các chi, đảng bộ đẩy mạnh sinh hoạt chi bộ, trên cơ sở đó, từ các cán bộ, đảng viên sẽ tạo lan tỏa rộng rãi. Kênh thứ hai là qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các hình thức phiên âm ra các thứ tiếng dân tộc để tuyên truyền đến bà con nhân dân.

Với sự đa dạng về hình thức tuyên truyền, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Cao Bằng đang quyết tâm cao nhất để đưa thông tin bầu cử đến với người dân, để tất cả các cử tri đều hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và tham gia tích cực cho ngày hội sắp tới./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/cao-bang-dua-thong-tin-bau-cu-toi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-856482.vov