CAO BẰNG: KHÁT VỌNG VƯƠN XA TỪ CỘI NGUỒN PÁC BÓ
Những ngày đầu năm mới 2021, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi được lên thăm Cao Bằng, cái nôi của cách mạng, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021) và 80 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước (28/01/1941 – 28/01/02021).
Từ cột mốc lịch sử...
Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước là sự kiện lớn của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên.
Đường từ thành phố Cao Bằng đến quần thể Di tích lịch sử Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, chỉ mất khoảng một tiếng. Đường rất tốt vì đây là đoạn đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh chạy dài cho tới đất mũi Cà Mau. Tại đây, chúng tôi được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến kể lại câu chuyện Bác Hồ về nước 80 năm trước qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung trên dãy núi cao được Bác đặt tên là núi Các Mác. Ở lưng chừng núi là hang Pác Bó, nơi Bác chọn làm chỗ ở. Dưới chân núi có chiếc bàn đá nơi Bác làm việc nằm bên đầu nguồn suối Lê-nin dẫn tới hồ nước lớn trong vắt nhìn rõ từng đàn cá bơi lội tung tăng, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn khúc đổ xuống cánh đồng bản Khuổi Nậm xanh rì.
Ngày nay, thành phố Cao Bằng, bộ mặt của tỉnh, đã thực sự khởi sắc với các tuyến phố sầm uất, sạch đẹp, đầy ắp hoạt động kinh tế. Phố đi bộ Kim Đồng rực rỡ ánh đèn với nhiều cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, ngân hàng… trang hoàng đẹp mắt. Chợ ẩm thực Cao Bằng bày bán nhiều món ngon, với nhiều loại đặc sản nơi đây, như nấm mộc nhĩ, măng khô, miến dong, hạt dẻ, thạch đen, bánh khảo, gạo nếp nương... Chúng tôi được thưởng thức món phở chua Cao Bằng dân dã nhưng cực kỳ nổi tiếng với nguyên liệu là thịt ba chỉ, thịt vịt, lạp sườn, gan và dạ dày lợn, khoai tàu thái chỉ, chao qua mỡ và các loại gia vị. Kể ra thì dễ nhưng không mấy người làm cho ngon được, nhất là khâu pha nước phở. Món bánh cuốn canh Cao Bằng trứ danh cũng không thể nào quên vì hương vị độc đáo không nơi nào có.
... đến khát vọng vươn xa
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Lại Xuân Môn tự hào cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt bình quân trên 7%/năm. Ba đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế cửa khẩu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm bình quân trên 4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/năm.
Với lợi thế so sánh nổi bật về giá trị văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên, Cao Bằng đã phát triển đa dạng sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khai thác có hiệu quả Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng phục vụ du lịch. 5 năm vừa qua, Cao Bằng đã huy động được trên 9 nghìn tỷ đồng đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với nhiều dự án đầu tư có vốn trong và ngoài nước. Trong đó, có 2 dự án lớn là Trung tâm logistics, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư đã đăng ký trên 6.000 tỷ đồng và dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Quảng Hòa 4.300 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ xóa hết nhà tạm, hiện ước tính còn khoảng 4.000 căn.
Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn cho biết, Cao Bằng kỳ vọng sớm thực hiện ước mơ nghìn đời của đồng bào các dân tộc Cao - Lạng là xây dựng tuyến cao tốc nối Đồng Đăng (Lạng Sơn) tới Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115km với 4 làn xe, tốc độ 80km/h, tổng mức đầu tư khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng theo hình thức BOT. Nếu được, đây sẽ là tuyến cao tốc có thiết kế hiện đại, công nghệ thi công tiên tiến, thân thiện với môi trường và bền vững trước tác động của thiên nhiên, bao gồm 18 cầu, 6 hầm đường bộ, 21 hầm giao thông dân sinh, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội tới Cao Bằng còn 2,5 giờ. Đúng như lời trong bài hát “Cao Bằng khát vọng vươn xa”: Vì một khao khát Cao Bằng/Dệt ngàn ước mơ Cao Bằng, để Cho em thơ khung trời mơ ước/Cho cụ già đôi mắt long lanh.
Anh Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, đồng bào các dân tộc Cao Bằng một lòng sắt son với cách mạng và có truyền thống cực kỳ mến khách, “mời rượu cả chum, mời quả cả cây”. Tất cả anh em trong Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, đều cảm thấy thực sự ấm áp với tình cảm chân thành, dung dị của đồng bào nơi đây.
Nhân dịp Xuân về, Tết đến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã cùng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, và Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn đến thăm cụ Hoàng Thị Khìn, người dân tộc Nùng. Cụ năm nay đã gần 100 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, giọng nói sang sảng kể về ký ức những ngày làm liên lạc, nấu cơm cho Bác Hồ khi Người ở hang Pác Bó năm xưa. Cụ vui vẻ ký tặng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tờ báo Cao Bằng số ra ngày 7.1.2021 kỷ niệm 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Đã 80 năm kể từ ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, dòng chảy của lịch sử vẫn đang dẫn chúng ta tới một tương lai tươi sáng hơn ở Cao Bằng - mảnh đất địa đầu Tổ quốc thấm đậm hồn thiêng non sông gấm vóc Việt Nam./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51305