Cao Bằng: Phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại...
Chiều 12/7, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Thông tin tại họp báo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,46%, tăng 1,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,96 điểm phần trăm so với dự kiến mức tăng chung của cả nước (6,42%).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 30/6/2022 là 2.542.357 triệu đồng; so với dự toán Trung ương giao đạt 151%; so với dự toán HĐND tỉnh giao đạt 126%; so với cùng kỳ năm trước bằng 322%. Chi ngân sách địa phương là 2.806.165 triệu đồng, so với dự toán Trung ương giao đạt 26%, so với dự toán HĐND giao đạt 26%, so với cùng kỳ năm trước bằng 92%.
Sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân 2021-2022 đã đạt được những kết quả tích cực, diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2021; dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh trên đàn trâu, bò cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ chuồng trại gia súc di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở đạt 325/2.215 hộ, đạt 14,7% kế hoạch. Trồng rừng được 407,41ha, đạt 23% kế hoạch. Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành 100% kế hoạch. Việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đạt kết quả khả quan.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá hiện hành) 2.798 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, đạt 49,8% kế hoạch; ước thực hiện cả năm 2022 là 5.620 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa biên giới bị hạn chế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đến ngày 30/6/2022 đạt 454,6 triệu USD, bằng 109,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 72% kế hoạch.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 là 3.916,33 tỷ đồng, bằng 107,93% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượt khách du dịch đạt 448.513 lượt, bằng 148,2% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt số lượt khách quốc tế tăng cao; tổng thu du lịch ước đạt 162,4 tỷ đồng, bằng 401,8% so với cùng kỳ năm 2021...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Cao Bằng cũng đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Trước bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, UBND tỉnh Cao Bằng xác định, tiếp tục phát huy tính chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả 17/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; giữ vững và phát huy kết quả đạt được, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Song song với đó, khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, triển khai các phương án phòng chống lụt bão...
Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội như tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao sức khỏe và tạo động lực tinh thần để nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân...